Vào đại học nhờ những tiếp sức yêu thương

Những ngày này cư dân Làng trẻ em SOS Đồng Hới, Quảng Bình ngập tràn niềm vui khi hay tin làng có hai em cùng trúng tuyển ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Đó là hai em Phạm Thị Bé trúng tuyển hệ CĐ và Nguyễn Thị Phượng trúng tuyển hệ ĐH với hơn 21 điểm.

Không đơn độc khi rời làng

Theo anh Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Làng trẻ em SOS Đồng Hới, niềm vui lại đi liền nỗi lo khi các cháu rời làng không biết sẽ lấy đâu ra tiền để lo trang trải học phí, tiền ăn ở tại TP.HCM, vốn rất xa lạ với các cháu.

“Mỗi cháu ở làng đều có hoàn cảnh hết sức éo le, thiếu vắng tình thương của mẹ cha, lớn lên trong tình thương của các mẹ trong làng và sự chung tay của cộng đồng. Nay mai các cháu rời làng biết lấy gì để đóng học phí, rồi chuyện ăn học kéo dài bốn năm…” - anh Hiếu ngậm ngùi.

Chúng tôi đem những trăn trở này giãi bày cùng lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Lãnh đạo của trường đã hồi âm rất nhanh: “Trường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ hai thí sinh này nhập học, chứ không vì hoàn cảnh khó khăn khiến các em chùn bước trước thềm năm học mới”.

Cận ngày nhập học, ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay để hỗ trợ tốt nhất cho hai tân sinh viên này, trường sẽ liên hệ trực tiếp với Làng trẻ em SOS Đồng Hới để nắm thêm gia cảnh các em, từ đó có hỗ trợ thiết thực.

Ông Sơn thông tin trước mắt trường sẽ tính toán hỗ trợ chi phí đi lại để các em nhập học. Ngoài ra, trường sẽ bố trí ký túc xá cho hai em ổn định nơi ở và tính toán cung cấp học bổng cho các em chuyên tâm học hành, theo đuổi ước mơ của mình.

Lê Thị Ngọc rơm rớm nước mắt ghi nguyện vọng của em mong được đến trường và mong ước ấy nay đã thành hiện thực. Ảnh: P.NAM

Vỡ òa cánh cửa vào đại học

Ở thôn Ung Chiếm, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), ai cũng khâm phục nghị lực phi thường của Lê Thị Ngọc. Bố mẹ chia tay. Bố làm thợ mộc rày đây mai đó, rồi mất sớm nên việc học của em chông chênh. Vậy mà đợt xét tuyển ĐHvừa rồi Ngọc trúng tuyển vào khoa Ngôn ngữ Nhật, Trường ĐH Mở TP.HCM với 21,5 điểm trong sự khâm phục của bạn bè, chòm xóm.

Cánh cửa vào ĐH và ước mơ lên giảng đường đã thành hiện thực nhưng em chợt lặng người khi nhận được thông tin nhà trường yêu cầu đóng 6,6 triệu đồng học phí học kỳ 1.

Khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài về gia cảnh của em và cánh cửa vào ĐH khó thành hiện thực, bà Tạ Thị Lan Anh, Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Mở TP.HCM), đã gọi điện thoại cho chúng tôi thông báo nhà trường hỗ trợ học phí, chắp thêm nghị lực cho Ngọc lên giảng đường như bao tân sinh viên khác.

Chiều 24-8, Trường ĐH Mở TP.HCM đã thông báo cấp toàn bộ học phí năm thứ nhất cho tân sinh viên Lê Thị Ngọc. Đồng thời nhà trường tiếp tục xem xét mức học bổng tương ứng dựa vào kết quả học tập của em trong các năm tiếp theo. Vậy là Ngọc đã có thể nhập học vào Trường ĐH Mở TP.HCM như mong ước!

 

Ngày 10-9 sắp tới, Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can dự kiến sẽ trao 40 suất học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học ĐH, CĐ trong nước.

Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can thành lập ngày 12-9-2014.  Quỹ cung cấp hai loại học bổng gồm học bổng sau ĐH dành cho các cá nhân xuất sắc theo học tại các trường ĐH quốc tế ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới; học bổng ĐH/CĐ học trong nước nhằm hỗ trợ cho các ứng viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chi tiết về tiêu chí xét chọn và hồ sơ đăng ký xem trên website của Quỹ học bổng Lương Văn Can tại địa chỉ: www.lvcfund.org.vn.

H.LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm