Người đàn ông quốc tịch Canada đòi sử dụng tiếng Quảng bị tuyên tử hình vì sản xuất ma túy

(PLO)- Bị cáo Tất Chí Cường có quốc tịch Canada nhưng yêu cầu cơ quan tố tụng cho được sử dụng tiếng Quảng dù chỉ nghe, nói được chứ không biết đọc, viết tiếng này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-5, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần hai đã tuyên phạt Tất Chí Cường (sinh năm 1971) tử hình về tội sản xuất trái phép chất ma túy. HĐXX đồng tình với VKS khi đã đảm bảo tố tụng, không làm oan sai cho bị cáo Cường khi cáo buộc đã sản xuất thành phẩm hơn 3.200gram loại MA thu giữ khi khám xét.

Đầu năm 2019, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Cường tử hình, sau đó Cường kháng cáo kêu oan. TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định Cường là người quốc tịch Canada, là người nước ngoài, không biết tiếng Việt nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm không có phiên dịch cho bị cáo là vi phạm tố tụng. Từ đó, cấp phúc thẩm chỉ tuyên hủy bản án sơ thẩm đối với phần của Cường để điều tra, xét xử lại.

Bản án phúc thẩm giữ nguyên án tử hình đối với Nguyễn Văn Phương, Vũ Tất Phan về hai tội sản xuất và mua bán trái phép chất ma tuý. Ba đồng phạm mua bán ma tuý còn lại cũng không được giảm án.

Tất Chí Cường tại phiên xử sáng 6-5. Ảnh: HOÀNG YẾN

Tất Chí Cường tại phiên xử sáng 6-5. Ảnh: HOÀNG YẾN

Quá trình điều tra lại, Cường khai không quen biết với Phương, còn Phan thì Cường có gặp một lần khi đi chơi chung với bạn. Ngày 18-12-2016, Cường gọi điện cho Phan rủ đi chơi nhưng Phan đang bận nên hẹn sẽ gọi lại sau.

Một lúc sau, Phan gọi điện cho Cường rủ đến nhà tại số 20 Lô G2, đường 40, phường Tân Phong, Quận 7. Khi đến nơi thì Phan gọi Phương từ trên lầu xuống để chở Cường đi ăn, khi Cường vừa ra khỏi nhà thì bị bắt giữ. Đối với việc sản xuất trái phép chất ma túy tại đây mà Phan và Phương khai thì Cường không biết và không tham gia.

Theo VKS, Cường là người Việt gốc Hoa từ nhỏ sinh ra và sống cùng gia đình tại TP.HCM. Đến năm 1990, Cường định cư tại Canada làm nghề phụ bếp. Quá trình điều tra trước đây, Cường đồng ý sử dụng Tiếng Việt trong quá trình tố tụng.

Tại các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, do Cường khai không biết đọc, không biết viết nhưng nghe, hiểu, nói được Tiếng Việt nên CQĐT đã cho người đọc hộ lại nội dung cho Cường nghe hoặc có sự tham gia của các Luật sư đọc lại biên bản cho Cường và xác nhận đúng lời khai của Cường.

Quá trình đọc lại biên bản thì người đọc hộ, luật sư đều xác nhận: Cường nghe, nói và hiểu rõ Tiếng Việt. Vì vậy, sau khi đã được nghe đọc lại thì Cường đồng ý ký tên vào biên bản. Bản thân Cường cũng xác nhận các chữ ký và điểm chỉ trên biên bản là của mình. Việc Cường khai không nghe và không hiểu tiếng Việt là hoàn toàn vô căn cứ.

Quá trình điều tra lại, Cường yêu cầu được sử dụng tiếng Quảng (là tiếng địa phương, không thông dụng tại Trung Quốc) và được đáp ứng dù Cường khai chỉ nghe, nói được chứ không biết đọc, viết tiếng này.

Theo hồ sơ, đầu năm 2016, Phan quen biết với Phil (quốc tịch Mỹ) và được rủ tham gia sản xuất ma túy. Để sản xuất ma túy, Phil và một người Trung Quốc (không rõ lai lịch) mang hai máy chưng cất ly tâm tới nơi trọ của Phan và Phương. Cả hai yêu cầu Phan và Phương ra chợ Kim Biên mua các loại hóa chất, dung dịch về điều chế ma túy.

Trong lần sản xuất đầu tiên đã chưng cất thành công 12 kg ma túy đá và 30 kg tiền chất ma túy. Số ma túy đá đã nhanh chóng tiêu thụ hết. Còn 30kg tiền chất, Phil đem về Campuchia cất giấu.

Sau đó người Trung Quốc cũng bỏ về nước, Phương và Phan tiếp tục mua dung dịch về điều chế ma túy. Khi các bị cáo chưa kịp thực hiện thì đã bị công an bắt giữ. Ngoài ra, Phil còn mua gần 45 nghìn viên thuốc lắc từ Campuchia về thuê Phan và Phương bán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm