Người dân bức xúc phản ánh đến Báo Pháp Luật TP.HCM về việc các trang trại heo xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại khu vực giáp ranh giữa xã Hòa Tiến (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) và xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng
Cụ thể, trên địa bàn xã Hòa Tiến (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) có bốn trại heo đang hoạt động. Nhìn từ bên ngoài, hầu hết các trại heo này đều kín cổng cao tường, hạn chế người ra vào. Phía ngoài đường, cổng sắt được rải vôi trắng xoá khử trùng còn phía sau lại là những hồ nước, chứa nước thải từ các trại heo xả ra mà chưa qua xử lý.
Các hồ chứa của trại heo, nước có màu đen đặc quánh kèm mùi hôi thối nồng nặc. Nấp dưới bụi cây lớn còn có ống nhựa chảy dẫn nước ra phía ngoài ruộng tạo thành một con kênh nhỏ đưa nước đen thối của trại heo đi khắp ngóc ngách cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Đứng tại ngôi nhà thuộc địa phận xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), bà Trương Thị Bê chỉ tay về ruộng lúa đang lụi tàn nằm cạnh các trại heo. Bà Bê cho biết, từ nhiều năm nay, các trang trại heo mọc lên với quy mô lớn. Không biết họ xử lý nước thải từ trại heo như thế nào nhưng dòng nước đen kịt, kèm mùi hôi nồng nặc vẫn liên tục chảy ra gây hư hại hết diện tích đất trồng lúa của bà con.
“Đất trồng lúa hư hết, giờ chỉ biết trồng cỏ cho bò ăn nhưng bò cũng chê”, bà Bê lắc đầu ngao ngán.
Nói về việc ảnh hưởng từ các trại heo, ông Trần Đình Thuận, Trưởng thôn Diệm Sơn (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nói, việc ô nhiễm từ trại heo này đã diễn ra từ lâu nhưng người dân nơi đây phải chịu đựng, khổ lắm.
Nguồn nước nơi đây đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam quan trắc, đánh giá là bị ô nhiễm nên người dân phải tự mua nước bình 20 lít hoặc mua máy lọc nước để lọc chứ rất lo sợ bệnh tật do trại heo gây ra.
Tại khu vực của ông Thuận, có đến hơn 30 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các trang trại heo này vì khoảng cách chỉ có vài trăm mét.
Sẽ xử lý dứt điểm?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trại heo ở đây đều không có tên tuổi cụ thể. Hầu hết các chủ trại heo liên kết với công ty chăn nuôi gia súc nhận heo giống về nuôi sau đó ăn chia.
Một chủ trang trại heo xưng tên Ngô Thị Chúc cho biết, đã đầu tư hệ thống bể lắng, hầm biogas để không ảnh hưởng môi trường. Còn các giấy tờ khác liên quan đến trại heo thì đang chờ huyện, xã tập huấn chứ không biết.
Bà Chúc nói thêm, quy mô hiện tại của trại heo của bà là 2.000 con. Trong khi, giấy chứng nhận trang trại heo của bà Chúc được cấp lại chỉ có quy mô 600 con.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh cho biết, sẽ tiến hành phối hợp cùng các đơn vị của huyện để kiểm tra, xử lý các cơ sở không đủ điều kiện gây ra ô nhiễm môi trường.
Bà Tâm cũng chia sẻ, đã từng đi ăn giỗ ở gần đó và nghe mùi hôi thì được bà con kể nguyên nhân là do các trại heo gây ra.
Với cương vị là Chủ tịch UBND xã, bà Tâm cam kết sẽ xử lý dứt điểm cho bà con. Không để bà con phải chịu cảnh hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Còn việc cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến các trại heo này, Chủ tịch UBND xã Hoà Tiến sẽ cung cấp sau khi phối hợp kiểm tra các trang trại trong thẩm quyền cho phép.