Một bức tranh cổ động ở Triều Tiên giáo dục trẻ em phải tiêu diệt lính Mỹ (Nguồn: DM)
Nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue, người hiện đã bị cấm tới Triều Tiên, từng có cơ hội đi chu du khắp nơi trong đất nước này. Trong hành trình, ông đã được trao cho cơ hội hiếm có là được phỏng vấn dân Triều Tiên để thấy thế giới quan của họ.
Từ các bài phát biểu về "chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ" cho tới hệ thống giáo dục chống Mỹ rất mạnh, quan điểm của Triều Tiên về phương Tây về cơ bản được chính quyền kiểm soát rất chặt, trong một đất nước nơi người dân có ít cơ hội tiếp cận với thông tin.
Kết quả là họ đã thu nhận được những thông tin méo mó, không đúng với thực tế. Nhiều người nói với Lafforgue rằng chú chuột Mickey, xuất hiện trên nhiều hộp cơm trưa của trẻ em, là sản phẩm của Trung Quốc.
Trong khi đó nước ngọt Coca-Cola, còn được biết tới với tên Crabonated Cocoa ở Triều Tiên, là phát minh của nước này.
"Ngay cả trong các bức tranh cổ động do các nghệ sĩ của Triều Tiên vẽ, bạn vẫn có thể thấy các nhân vật của Disney, xuất hiện thông qua các sản phẩm hàng hóa Trung Quốc đã tràn ngập đất nước Triều Tiên" - Lafforgue hé lộ - "Phần lớn người ta đều lờ đi ý nghĩa của các nhân vật".
Ông cho biết người Mỹ vẫn có thể tới du lịch ở Triều Tiên, dù họ chỉ có thể tới đây và rời khỏi đây bằng máy bay. Họ cũng sẽ không được ở lại Triều Tiên quá 10 ngày và ngay khi tới nơi sẽ được các hướng dẫn viên Triều Tiên "kèm cặp".
"Các hướng dẫn viên biết rằng có ma túy, tội phạm, tình trạng thất nghiệp và đình công diễn ra ở Mỹ. Vì thế bất cứ khi nào có thể, họ đều muốn cho bạn biết rằng ở Triều Tiên không có những vấn đề như thế" - ông nói.
Đáng nói hơn là các tấm tranh cổ động, cổ súy việc bắn giết người Mỹ, một thái độ đã lan sang cả hệ thống giáo dục. "Thật thú vị khi được đóng vai người lính và giết người Mỹ" - là thông điệp viết trên một bức tranh cổ động được Lafforgue ghi hình lại
Khi được hỏi vì sao lại đặt các tranh cổ động như thế trong trường học, người hướng dẫn viên của ông trả lời: "Người Mỹ đã chế nhạo chúng tôi trong thời gian dài. Vì thế chúng tôi luôn luôn giáo dục chống Mỹ cho lũ trẻ".
Không ngạc nhiên khi nhiều đứa trẻ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, phản ứng sợ hãi với gương mặt người ngoại quốc. "Tôi hỏi người hướng dẫn của tôi vì sao lũ trẻ lại chạy đi khi nhìn thấy tôi và cô ấy trả lời rằng vì tôi để tóc ngắn nên chúng tưởng tôi là lính dù Mỹ" - Lafforgue kể với Daily Mail.
Những người khác đổ lỗi cho "đế quốc Mỹ" đã gây ra đủ thứ vấn đề, từ tình trạng thiếu thực phẩm tới cắt điện thường xuyên. "Một ngày nọ tôi đang ở một gallery nghệ thuật ở Bình Nhưỡng khi điện đột ngột bị cắt" - Lafforgue nhớ lại - "Tôi hỏi rằng chuyện này có xảy ra mỗi ngày không và một người ở bảo tàng trả lời rằng: 'Có. Đó là lỗi của đế quốc Mỹ!'"
Khi được Lafforgue hỏi vì sao không thích người Mỹ, một người dân địa phương trả lời: "Họ nhúng mũi vào mọi thứ! Không ai thích họ cả! Cả thế giới chống lại họ."
Một bộ phận lại thích thú khi được "chặt chém" du khách Mỹ. "Vâng họ có thể tới đây" - một học sinh Triều Tiên nói với Lafforgue - "Nhưng chúng tôi sẽ chỉ cho phép họ ở lại trong 3 ngày và sẽ khiến họ phải trả rất nhiều tiền" .
Bất chấp những định kiến đó, Lafforgue nói rằng người Mỹ thường cảm thấy được cư dân địa phương chào đón. Có thể thấy họ không chia sẻ chung quan điểm với chính quyền về Mỹ và Hàn Quốc.
"Tôi gặp rất nhiều du khách Mỹ trong 6 chuyến đi của mình và rất ngạc nhiên trước việc họ cảm thấy được chào đón, sau khi tiếp xúc với các hướng dẫn viên và dân địa phương" - Lafforgue nói - "Thực tế khác rất xa so thông tin tuyên truyền mang tính chất hung hăng mà anh có thể đọc được trong các thông báo chính thức của chính quyền. Các du khách được phép đi bất cứ đâu ngoại trừ khi vực Chilbo, nơi người ta thường tới nghỉ trong nhà của các gia đình nông dân Triều Tiên sống ven biển" - ông nói - "Hiển nhiên là chẳng có lời giải thích nào cả. Họ chỉ nói với tôi rằng không thể tới đó!"
Theo LINH VŨ (VIETNAM+)