Ngày 1-12 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt một số nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, phải làm ngay, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.
Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I-2025.
Thông tin trên nhận đươc rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Người dân cho rằng tinh gọn tổ chức bộ máy là cần thiết và cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Sáp nhập, tinh gọn bộ máy nhà nước là cần thiết
“Có thể nói đây là sự cải cách hướng tới kỷ nguyên mới, phát triển xã hội văn minh hơn. Điều này giúp giảm lãng phí nhân sự để tập trung nguồn lực đầu tư, đồng thời đẩy nhanh phát triển mục tiêu trọng tâm trong thời gian ngắn hạn và dài hạn. Sáp nhập, tinh gọn bộ máy để giảm các đầu mối, giảm gánh nặng chi ngân sách, dành nguồn lực để chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội... Rất ủng hộ, mong đề án được triển khai càng nhanh càng tốt!” - Bạn đọc ThanhMai…@gmail.com.
“Tinh gọn bộ máy nhà nước là hợp lý. Tôi đã đi rất nhiều nơi trên thế giới và từng sống ở nước phát triển nhưng cuộc sống tại Việt Nam vẫn là tốt nhất, đời sống tinh thần của người dân rất sống động... Tuy nhiên, bộ máy nhà nước còn quá cồng kềnh, làm hồ sơ thủ tục còn qua nhiều cơ quan, nhiều bước, rất mất thời gian và công sức của người dân” - Bạn đọc QuyNguyen36…@gmail.com.
“Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ quyết tâm từ trung ương đến địa phương, tôi xem đây là một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước. Tôi cho rằng đã là việc cấp bách thì phải bắt tay vào làm ngay, thực hiện quyết liệt triệt” - Bạn đọc huutrong1257.
Cần chuyển đổi số triệt để
“Theo tôi, về lĩnh vực hành chính cần khai thác triệt để dịch vụ công online, sẽ giúp giảm thời gian, tiền bạc của dân và nguồn lực cán bộ, đồng thời nâng cao hiệu suất. Chúng ta cần áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính tương tự việc cấp đổi GPLX và cấp hộ chiếu online hiện nay. Ngoài ra, đối với cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức phải tổ chức kiểm tra sát hạch trình độ năng lực định kỳ” - Bạn đọc Nguyenphuong…@gmail.com.
“Nên áp dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại vào vận hành nhằm tinh gọn hồ sơ giấy tờ và con người. Việt Nam cần phải đẩy nhanh và ngay để giúp thu hút FDI vào nhiều hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của Quốc Hội và Chính phủ, tôi tin tưởng rằng tổ chức bộ máy sẽ đạt hiệu quả, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của phát triển và thịnh vượng...! Tinh gọn, hiệu quả thì mới dễ tăng lương, mà lương cao thì mới thu hút được người tài” - Bạn đọc Mạnh Tài.
“Xin góp ý là việc tinh gọn bộ máy lãnh đạo đòi hỏi năng suất hoạt động cao hơn nên khâu sắp xếp nhân sự rất quan trọng. Phải chọn người có tâm, có tài vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Sáp nhập và ứng dụng chuyển đổi số để quản lý là phương án tốt nhất để giảm biên chế” – Bạn đọc dhm1907.
Tinh gọn bộ máy nhà nước càng sớm càng tốt
Về vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư cũng đánh giá đây là vấn đề khó, thậm chí sẽ có cả những lực cản quyết liệt.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khoẻ mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u"", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Tinh gọn bộ máy nhà nước là việc khó, nhưng phải làm
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm. Lý do là bởi hiện bộ máy còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian, nhiều cấp hành chính, dẫn tới nhiều công việc ách tắc.
Liên quan đến phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bám sát Nghị quyết 18, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Về mục tiêu chung, cần hoàn thành sớm việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan phù hợp, hiệu quả, tinh gọn, sử dụng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan truyền thông dành nhiều thời lượng, đẩy mạnh thông tin về những đơn vị làm tốt, các mô hình hay; đẩy mạnh tuyên truyền về các thành tựu, kết quả phát triển đất nước.