Người đi nhặt nụ cười và chia lại cho trẻ vùng cao

(PLO)- Đã gần 10 năm trở thành thành viên tích cực của nhóm thiện nguyện Sống Hướng Thiện, cũng là bằng ấy năm anh Nguyễn Quang Toại được sống với đam mê của bản thân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Tôi sẽ lên đường đến với các bé vùng cao bất cứ khi nào có thể. Hiện tại tôi mới chỉ có thể chụp và in tặng các bạn nhỏ ảnh mà không có khung. Nếu có thể, tôi muốn mỗi tấm ảnh được đóng trong khung thì sẽ giữ được lâu hơn” - anh Nguyễn Quang Toại (sinh năm 1977, Hà Nội, đang làm cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam) nói.

Anh ham làm công tác thiện nguyện, muốn được đặt chân đến nhiều vùng, miền khó khăn ở Tây Bắc để góp nhặt nụ cười trẻ thơ vùng cao qua những tấm ảnh.

Anh Toại không quên lưu lại những hình ảnh đáng nhớ trong các chuyến đi làm thiện nguyện của mình. Ảnh: NVCC

Anh Toại không quên lưu lại những hình ảnh đáng nhớ trong các chuyến đi làm thiện nguyện của mình. Ảnh: NVCC

Trẻ vùng cao hạnh phúc nhận ảnh tặng từ anh Nguyễn Quang Toại. Ảnh: NVCC

Trẻ vùng cao hạnh phúc nhận ảnh tặng từ anh Nguyễn Quang Toại. Ảnh: NVCC

Trẻ cười to và ôm ảnh chạy khoe khắp xóm

Anh Toại kể: Năm 2013, trong một lần cùng các thành viên của nhóm đi phát quà từ thiện ở vùng núi huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, sau khi chụp đủ ảnh làm tư liệu cho chuyến đi, anh quay lại chụp cho cả thành viên trong đoàn làm ảnh kỷ niệm.

“Các thành viên nhóm hay chụp cùng các bé vùng cao. Khi chụp xong, các con thường vây xung quanh để xem ảnh chụp trong máy ảnh, có những bức ảnh rất đẹp. Lúc đó tôi nghĩ giá mà có thể tặng các bé những bức ảnh này thì sẽ rất ý nghĩa. Vậy là những chuyến đi sau đó tôi quyết định chụp và in ảnh để tặng cho các con” - anh Toại nhớ lại.

Khi con trai đầu lòng được một tuổi, anh Toại bắt đầu sắm máy ảnh kỹ thuật số và lấy bé con làm mẫu ảnh. Anh tự học chụp, chỉnh sửa ảnh thông qua những hướng dẫn từ YouTube. Anh cũng không ngừng học hỏi kinh nghiệm chụp từ chính bạn bè làm nghề chụp ảnh.

Theo thời gian, tay nghề của anh ngày một “điêu luyện”. Chuyến đi nào lên vùng cao, bất kể là đi làm thiện nguyện hay đi du lịch, anh đều vác theo máy để ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên và đẹp nhất từ nụ cười của các bé thơ.

Mỗi chuyến đi anh lại góp nhặt cho bản thân nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Anh kể: “Các em bé vùng cao mới đầu khá khó gần nhưng khi được chụp và tặng ảnh, dường như không còn tồn tại thứ gọi là khoảng cách, chúng ùa lại, túm tụm xem tôi chụp và in ảnh.

Nhắc tới câu chuyện khó quên chắc có lẽ là những lần các bé cầm ảnh trả lại vì không nhận ra mình trong đó, mãi về sau, khi đã ngắm kỹ mới biết đó là mình thì cười to và ôm ảnh chạy khoe khắp xóm. Cũng dễ hiểu thôi, bởi các con chưa được chụp ảnh bao giờ”.

Anh tự học chụp, chỉnh sửa ảnh thông qua những hướng dẫn từ YouTube và học hỏi kinh nghiệm chụp từ chính bạn bè làm nghề chụp ảnh.

Bà xã làm trợ thủ đắc lực

Dù đã trải qua hàng trăm chuyến đi, tặng cho trẻ vùng cao hàng ngàn tấm ảnh nhưng không phải lần đi chụp nào anh Toại cũng thành công. Có lần, anh phải “đóng máy” gấp vì khi đó anh đi cùng một người bạn nước ngoài, vừa bước xuống xe, anh giơ máy lên chụp thì lũ trẻ òa khóc, chạy tán loạn do nhìn thấy ông Tây râu ria xồm xoàm. “Đó là lần chụp ảnh và tặng ảnh không thành công, một kỷ niệm đáng nhớ” - anh Toại nói.

Kinh phí đi lại, in và tặng ảnh, anh Toại tự bỏ tiền túi ra. Với những chuyến đi chụp nhiều thì anh kêu gọi bạn bè trợ giúp. Làm công việc không công, tưởng rằng anh sẽ bị gia đình phản đối kịch liệt nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Chứng kiến việc làm của anh, chị Thùy Dương (bà xã anh Toại - PV) lại hết mình hỗ trợ chồng trong việc in ảnh nếu chuyến đi đó cả hai cùng đồng hành.

Những người khác như bạn bè, đồng nghiệp thì hay ủng hộ anh bằng việc chia sẻ một chút kinh phí để anh mua giấy in.

Nói về kế hoạch làm công việc góp nhặt nụ cười trẻ thơ vùng cao qua những tấm ảnh sắp tới, anh Toại tâm sự: “Tôi sẽ lên đường đến với các bé vùng cao bất cứ khi nào có thể, hiện tại tôi mới chỉ có thể chụp và in tặng các bạn nhỏ ảnh mà không có khung. Nếu có thể, tôi muốn mỗi tấm ảnh được đóng trong khung thì sẽ giữ được lâu và dễ trang trí hơn”.•

Để tiện hơn cho việc in ảnh, cũng là để các con không phải chờ lâu, mới đây anh Toại đã tự bỏ tiền túi đặt mua thêm một chiếc máy in ảnh. Chiếc máy in mới được bóc tem gần đây nhất trong chuyến lên Nhà thờ Sa Pa (tỉnh Lào Cai) tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) cho hơn 500 em nhỏ nơi đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm