Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm môi trường

Từng bước đáp ứng chi phí dịch vụ thoát nước

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TP.HCM giai đoạn 2020-2024 sau khi lấy ý kiến các sở, ngành.

Việc triển khai thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thay phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải được dự kiến mức tăng là 5%/năm, lộ trình 5 năm (2020-2024).

thu-phi-thoat-nuoc-1

Theo lộ trình, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ tăng 5%/năm. Ảnh: KB.

TS Trường cho biết giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (gọi tắt là giá dịch vụ thoát nước) là toàn bộ chi phí được tính đúng, tính đủ và mức lợi nhuận hợp lý cho 1 m3 nước thải để thực hiện dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Trong đó, chi phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải là các chi phí để thực hiện các dịch vụ thu gom tiêu thoát nước mưa và thu gom, xử lý nước thải tại khu vực có dịch vụ thoát nước.

Tỷ lệ lợi nhuận được căn cứ vào điều kiện kinh doanh thực tế của các đơn vị thoát nước, thu nhập bình quân của người dân tại địa phương, UBND cấp tỉnh quy định mức hợp lý, đảm bảo không vượt quá 5% trên giá thành toàn bộ chi phí thoát nước (theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 13/2018/TT-BXD).

Căn cứ giá dịch vụ thoát nước được tính toán và quy định theo nguyên tắc trên để xác định giá trị hợp đồng quản lý vận hành đã được ký kết giữa các đơn vị thoát nước và chủ sở hữu hệ thống thoát nước. Đồng thời, quyết định lộ trình, mức thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ thoát nước trên địa bàn .

Như vậy, phương án giá dịch vụ thoát nước sẽ được tính toán để kiến nghị UBND TP phê duyệt gồm 2 loại giá. Giá thứ nhất là giá chủ sở hữu ký kết hợp đồng và thanh toán giá theo hợp đồng đối với đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước.

Giá thứ hai là giá để đơn vị thoát nước thu tiền dịch vụ thoát nước của các hộ thoát nước theo nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm môi trường; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước (Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP); gọi tắt là “Giá thu tiền dịch vụ thoát nước”.

Chi phí người dân nộp là rất thấp

Hiện tại, người dân (hộ dùng nước) cũng là người xả nước thải ra môi trường, (tức người gây ô nhiễm) đang nộp cho Nhà nước một khoản gọi là phí bảo vệ môi trường. Theo mức quy định hiện hành, phí bảo vệ bằng 10% giá nước sạch, được đưa thẳng vào hóa đơn tiền nước, do Công ty cấp nước thu hộ và hưởng phí thu hộ.

Việc thu tiền dịch vụ thoát nước đối với các hộ dùng nước như đề xuất trên là thực hiện đúng theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm môi trường. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước, với lộ trình tăng dần với mức tác động vừa phải đến “túi tiền” của người dân.

TS Tô Văn Trường cho biết việc thu tiền dịch vụ thoát nước sẽ tác động như thế nào thì phụ thuộc vào nhận thức, góc nhìn của mỗi người dân. Cảm nghĩ đó phụ thuộc vào mức độ thông hiểu về bản chất của việc thu tiền dịch vụ thoát nước.

thu-phi-thoat-nuoc

 Lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước đề xuất. 

Có thể hiểu TP.HCM đang thực hiện Nghị định 80 và người dân đang nộp phí thoát nước bằng 10% giá nước sạch. Với mức phải nộp hiện nay 905 đồng/m3 là rất thấp, chỉ bằng 1/10 chi phí xử lý nước thải và không ảnh hưởng nhiều đến túi tiền của người dân.

Theo lộ trình, năm 2024 sẽ tăng lên 4,327 đồng cũng chỉ bằng 1/2 chi phí xử lý nước thải. Mức này sẽ làm tăng chi phí hàng ngày của mỗi gia đình. Tuy nhiên, với mức này, mỗi gia đình, mỗi người dân phải suy nghĩ đến việc tiết kiệm sử dụng nước.

Người dân sẽ phải nộp nhiều hơn mức 10% của phí bảo vệ môi trường hiện hành, khởi đầu từ 15% và tăng dần theo lộ trình, cho tới khi đủ bù đắp 100% chi phí dịch vụ thoát nước của giá thứ nhất. Khi đó mới đủ để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước.

TS Trường lưu ý, 10-15% của giá nước sạch không đủ để chi cho thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc này cũng phải có lộ trình vì thực tế Hà Nội mới chỉ xử lý được một phần nhỏ nước thải sinh hoạt.

Nâng cao ý thức người dân

“Việt Nam phải ban hành, sửa đổi các nghị định như vậy, phải thực hiện nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" một phần là dưới áp lực của các nhà tài trợ (WB, ADB, JAICA ...). Việc này nhằm nâng cao ý thức của người dân và ý thức của nhà nước trong bảo vệ môi trường, chính sách đối với các nhà đầu tư, không làm ngơ trước các hành động trốn xây dựng nhà máy xử lý nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường v.v…”, TS Tô Văn Trường nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm