Tranh cãi về đề xuất tăng 5% phí môi trường

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 154/2016 về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải, trong đó có đề xuất tăng mức phí với một số lĩnh vực kinh doanh.

Theo quy định hiện tại, mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, dự thảo của Bộ Tài chính dẫn ý kiến một số địa phương (Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang) cho rằng cơ sở rửa ô tô, xe máy, sửa chữa ô tô, xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng. Vì nước thải của những trường hợp này có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn.

băn khoăn về mức độ ô nhiễm

Để thống nhất thực hiện, Bộ Tài chính dự kiến hai phương án:

Phương án 1: Giữ quy định mức phí như hiện hành là 10% giá bán 1 m3 nước sạch. Trường hợp có mức thu cao hơn thì HĐND tỉnh/TP trực thuộc trung ương quyết định mức thu phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Phương án 2: Quy định mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Riêng mức phí áp dụng đối với các cơ sở: rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo,… là 15% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Liên quan phương án 2, các cơ sở kinh doanh nói trên sẽ phải nộp tăng 5% phí đối với nước thải sinh hoạt so với các dịch vụ khác.

Anh Phạm Hoàng Việt (chủ một nhà hàng trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1) cho biết: “Nói nhà hàng, quán ăn gây ô nhiễm hơn hộ dân, vậy mức độ ô nhiễm được tính trên mét khối nước thải ra hay do thải nhiều nước thải hơn hộ dân? Nếu mức độ ô nhiễm/m3 thì chưa chắc nhà hàng nhiều hơn hộ dân, còn nói lượng nước thải ra thì có thể nhưng nhà hàng sử dụng nhiều nước và cũng đã trả phần tiền cho số nước nhiều đó rồi, tại sao còn tăng phí?”.

Dự thảo đề xuất tăng 5% phí nước thải sinh hoạt đối với một số cơ sở đang gây tranh cãi. Ảnh: N.CHÂU

Đồng quan điểm, chị LTPL (chủ khách sạn trên đường Phó Đức Chính, quận 1) bày tỏ: “Hiện nhiều khách sạn kinh doanh, doanh thu không cao, việc tăng giá như thế lại làm khổ thêm cho doanh nghiệp. Thực chất, nước được sử dụng ở khách sạn giống nước sinh hoạt bình thường của những hộ dân. Không có căn cứ nào cho rằng nước thải của khách sạn lại có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn nước thải sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình”.

Anh Tùng (chủ cơ sở rửa xe ở quận Gò Vấp) lo lắng: “Hiện nay giá rửa xe là không cao, tăng giá nước thì cơ sở sẽ khốn đốn. Nếu nói cơ sở rửa xe gây ô nhiễm nhiều hơn thì thật chẳng có cơ sở nào để khẳng định cả”.

người đồng ý, người không

Theo PGS-TS Bùi Xuân An, giảng viên về môi trường, Trường ĐH Hoa Sen: Trong thực tế hiện nay có nhiều loại thuế, phí. Những loại thuế, phí ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống người dân. Nếu muốn tăng phí môi trường đối với một số cơ sở thì cơ quan chức năng nên tính toán một cách chi tiết về những vấn đề như cơ sở đó xả thải như thế nào, mức độ ô nhiễm ra sao mới quyết định là có tăng hay không và tăng bao nhiêu.

“Ví dụ, đối với nhà hàng nên lấy mẫu nước thải về xét nghiệm và công bố kết luận. Có báo cáo rõ ràng rằng nếu muốn xử lý nước thải cho những cơ sở đó thì cần chi phí bao nhiêu, như thế mới có cơ sở để tăng giá. Nếu không có cơ sở để tăng phí thì khó tránh khỏi sự không đồng thuận” - TS An nói.

BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, cũng cho rằng: “Theo tôi, nếu muốn tăng giá, cơ quan chức năng phải có số liệu cụ thể để chứng minh những cơ sở này ô nhiễm hơn hộ dân. Cần công khai chi phí xử lý nước thải của những cơ sở này, có như thế mới thuyết phục được người dân…”.

Trái với những ý kiến trên, ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp, cho hay: “Về quan điểm cá nhân, tôi thấy đề xuất tăng phí đối với một số cơ sở như thế là hợp lý. Chi phí để xử lý môi trường cho nước thải từ các đơn vị trên thải ra tốn kém hơn so với những loại nước thải sinh hoạt khác. Hiện chi phí xử lý môi trường áp lên giá nước sinh hoạt ở TP chỉ được 10%. Chi phí xử lý này rất thấp nên nếu có tăng thêm 5% cũng không bù đắp được với chi phí thật sự cho việc xử lý nước thải”.

"Việc quản lý sẽ là bài toán khó"

Ông Lê Việt Nhân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng: Nên giữ quy định mức phí như hiện hành, tức là mức phí 10% giá bán 1 m3 nước sạch. Trường hợp có mức thu cao hơn thì HĐND tỉnh/TP trực thuộc trung ương quyết định mức thu phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

“Với phương án tăng thêm 5% phí nước thải sinh hoạt cho các cơ sở nêu trên là không công bằng đối với họ. Trường hợp nếu có tăng phí thì có thể tăng phí cho việc xử lý nước thải. Ngoài ra, nếu áp dụng phương án tăng phí thì việc quản lý sẽ là bài toán khó với tình hình như hiện nay” - ông Nhân nói. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.

Thời tiết ở Nam Bộ những ngày Tết Giáp Thìn 2024

Thời tiết ở Nam Bộ những ngày Tết Giáp Thìn 2024

(PLO)- Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ở Nam Bộ sáng sớm có nơi có sương mù nhẹ làm cho tầm nhìn xa có phần hạn chế; trưa, chiều giảm mây và nắng, cường độ nắng gia tăng vào giữa trưa, trời nắng nóng.

TP.HCM: Mỗi người dân quận 1 sẽ trồng một cây xanh

TP.HCM: Mỗi người dân quận 1 sẽ trồng một cây xanh

(PLO)- Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, cho biết quận sẽ phấn đấu bình quân mỗi người dân quận 1 trồng một cây xanh, cùng chung sức ‘Vì một Việt Nam xanh” theo chủ trương trồng một tỉ cây xanh của Chính phủ.