Giữa không gian xanh bát ngát của Vườn Quốc gia Tràm Chim, nơi được mệnh danh là “đảo thiên đường” của Đồng Tháp, ông Đỗ Minh Chánh (59 tuổi) đã dành hơn nửa cuộc đời để bảo vệ rừng.
Nhưng hơn cả việc giữ thảm xanh, ông Chánh còn ấp ủ một niềm hy vọng cháy bỏng: Sếu đầu đỏ – loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới – quay về với Tràm Chim.
Bến đỗ của đàn sếu đầu đỏ
Vườn Quốc gia Tràm Chim từng là nơi trú ngụ lý tưởng của hàng ngàn con sếu đầu đỏ.
Đầu thập niên 90, mỗi khi mùa di cư đến, cánh sếu đỏ rợp cả bầu trời, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Là nhân viên Phòng cháy chữa cháy của Vườn Quốc gia, ông Chánh đã chứng kiến những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy và coi sếu như những người bạn.
“Tôi vẫn nhớ, khi ấy cứ mỗi lần sếu về, lòng tôi rộn ràng hạnh phúc. Nhưng từ sau năm 2001, sếu đầu đỏ dần vắng bóng. Cảm giác hụt hẫng ấy chẳng khác nào chia tay một người bạn thân thiết mà không biết bao giờ gặp lại”- Ông Chánh chia sẻ.
Gắn bó với rừng hơn 30 năm, ông Chánh luôn dõi theo từng động tĩnh của rừng. Từ đài quan sát, ông không ngừng tìm kiếm những tín hiệu và tin mừng xuất hiện: Sếu về lại Tràm Chim. Niềm vui tuy nhỏ nhoi nhưng đủ để ông duy trì ngọn lửa đam mê với công việc. “Mỗi năm khi nghe tiếng chim vang vọng, tôi lại mong rằng đó là sếu, dù chỉ là những cá thể tiền trạm”- Ông nói.
Người gác rừng tận tụy
Với ông Chánh, Vườn Quốc gia Tràm Chim không chỉ là nơi làm việc mà còn là ngôi nhà thứ hai, là “chốn thiêng” cần được bảo vệ. Ngày ngày lắng nghe tiếng chim, cảm nhận hơi thở của cỏ cây, ông càng thêm yêu quý từng góc rừng, từng mảng xanh nơi này.
Gia đình ông sống trong căn nhà nhỏ ngay trong Vườn Quốc gia. Người vợ là hậu phương vững chắc, luôn động viên ông yên tâm “bám rừng”.
“Hiểu được tâm tư của tôi, bà xã luôn ủng hộ. Nhờ có bà mà tôi có thêm động lực gắn bó lâu dài với rừng”- ông nói với nụ cười hiền hậu.
Hơn 30 năm qua, ông Chánh vẫn như “đôi mắt” âm thầm bảo vệ Tràm Chim, canh giữ từng cánh tràm, từng góc rừng. Niềm hy vọng lớn nhất của ông là một ngày, sếu đầu đỏ sẽ chọn Tràm Chim làm ngôi nhà bình yên lâu dài, để những câu chuyện về loài chim quý hiếm không chỉ là ký ức mà còn là hiện thực sống động cho các thế hệ mai sau.
Niềm hy vọng sống mãi với rừng
Từ năm 2019, sếu đầu đỏ bắt đầu xuất hiện trở lại, chỉ vài con. Đến năm 2024, bốn con sếu đã về Tràm Chim, mang theo tia hy vọng mới. Niềm vui ấy càng được nhân lên khi UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn 2022-2032, mở ra cơ hội phục hồi môi trường sống cho loài chim quý hiếm này.
Ông Chánh phấn khởi: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ đàn sếu. Mong rằng một ngày không xa, Tràm Chim sẽ lại rộn ràng tiếng sếu như trước đây”.
Không chỉ bảo vệ rừng, ông Chánh còn đóng vai trò như một “đại sứ thiên nhiên”. Những ngày dẫn khách tham quan Tràm Chim, ông luôn hào hứng chia sẻ câu chuyện về sếu đầu đỏ, về hệ sinh thái đặc biệt của Vườn Quốc gia. Những trải nghiệm thực tế tích lũy suốt nhiều năm đã trở thành kiến thức quý giá mà ông truyền lại cho du khách.
“Tôi chỉ mong rằng, lần này đàn sếu sẽ không chỉ ghé qua mà sẽ chọn Tràm Chim làm bến đỗ lâu dài”, ông Chánh chia sẻ. Với ông, mỗi mùa sếu về không chỉ là niềm vui riêng mà còn là niềm hy vọng chung của những người yêu rừng, yêu thiên nhiên.