(PLO)- Hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên tạo nên một chương trình nghệ thuật hoành tráng, hào hùng, tái hiện một phần cuộc đời của Nữ tướng Lê Chân.
Hào hùng chương trình khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân. Clip: NGỌC SƠN Tối 7-3, tại khu vực Tượng đài Nữ tướng Lê Chân (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân năm 2025. Đây là lễ hội truyền thống nhằm tri ân, tưởng nhớ vị nữ tướng tài ba dưới thời Hai Bà Trưng có công khai phá và lập ra trang An Biên xưa, Hải Phòng ngày nay, là vị tướng được nhân dân tôn thờ là Thánh mẫu, Thành hoàng của Hải Phòng. Tại lễ khai mạc, Hải Phòng tổ chức đón nhận Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia "Bộ kim phẩm đền Nghè" gồm 16 nhóm hiện vật bằng vàng, độc nhất gồm: Lá trầu, chùm cau, 4 thẻ bài, 1 lá vàng trơn, 1 quạt, 3 đôi bông tai, 2 hộp sáp môi, đôi vòng, chuỗi hạt, bộ cúc. Bộ hiện vật thể hiện trình độ kỹ thuật chế tác, tư duy thẩm mỹ, nghệ thuật trang trí và ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh sâu sắc, được người dân Hải Phòng đặt chế tác riêng, chạm khắc mĩ tự của Thánh mẫu Lê Chân, tạo tác theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, được thành tâm cung tiến dâng lên Thánh mẫu Lê Chân tại đền Nghè. Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch UBND quận Lê Chân, nhấn mạnh, Lễ hội được tổ chức hằng năm nhằm phát huy các nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, Hải Phòng ngày nay.
Qua đó, khơi dậy niềm tự hào tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, các di tích lịch sử - văn hoá, kiến trúc nghệ thuật xếp hạng cấp quốc gia: Đền Nghè, đình An Biên. Ngay sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc biệt với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, tái hiện lại một phần cuộc đời của Nữ tướng Lê Chân. Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng, giúp người xem hiểu rõ hơn về cuộc đời của vị nữ tướng tài ba trong công cuộc khai phá vùng đất An Biên. Theo lưu truyền, Nữ tướng Lê Chân sinh ngày mồng 8 tháng 2, vào khoảng những năm 18 đến năm 20 sau Công nguyên, tại làng Vẻn - An Biên, Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bà là người có nhan sắc và giỏi võ nghệ, trong bối cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, nợ nước thù nhà chất cao, với tài năng, tâm huyết và ý chí của mình, Bà đã đưa gia binh, họ hàng xuôi dòng ra miền cửa biển.
Nhận thấy vùng đất phên dậu miền duyên hải phía Đông (nay là thành phố Hải Phòng) có vị trí chiến lược nên Bà đã quyết định chọn vùng đất này để lập ấp, chiêu mộ dân chúng, quai đê lấn biển lập lên các làng, xã... phát triển sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản, đồng thời rèn quân và luyện mã, chờ thời để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Để nhớ về quê cũ, bà lấy tên quê gốc đặt cho vùng đất mới này là làng Vẻn - Trang An Biên. Khi Trưng Trắc dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, Bà được tin, lập tức lựa chọn hơn 100 binh sĩ thân tín, kéo về Sơn Tây. Thấy diện mạo khác thường, đầy dũng khí của Lê Chân, Trưng Trắc đã rất ưng ý và phong cho bà là Thánh Chân công chúa, đem quân cùng Trưng Nhị tiến đánh Tô Định. Tô Định thua to, phải trốn về Bắc quốc. Nước Nam bình định, Trưng Trắc xưng Vua, khao thưởng quân sĩ, ban khen công thần. Thánh Chân công chúa được phong tiếp là Chưởng quản binh quyền lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, đem binh mã về trang An Biên dựng đồn binh đề phòng giặc Bắc quay trở lại xâm lược. Khi trở về làng, Lê Chân Nữ tướng đã dựng đồn, tăng cường chiêu mộ binh sĩ, xuất tiền tài chẩn cấp cho dân. Người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, bình yên. Năm 43, vua Hán sai tướng tài Mã Viện đem quân thuỷ bộ theo đường đông bắc sang đánh, Lê Chân chỉ huy quân chặn giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng do chênh lệch lực lượng, bà phải lui binh về bảo vệ Mê Linh. Sau khi phòng tuyến Cấm Khê vỡ, hai bà Trưng tự tận, Lê Chân phải rút quân vào vùng núi Lạt Sơn (thuộc Hà Nam bây giờ), lập căn cứ chống giặc. Mã Viện sai quân vây chặt căn cứ, chặn đường tiếp tế lương thực. Thế cùng lực tận, Nữ tướng đã gieo mình xuống núi Giát Dâu tuẫn tiết. Với những công đức lớn lao của Nữ tướng Lê Chân - Thánh Chân công chúa, trải qua gần hai nghìn năm, bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, người dân Hải Phòng đã lập đền thờ phụng, suy tôn bà lên bậc Thánh Mẫu. Nhớ đến công đức của Bà, từ xa xưa Nhân dân Hải Phòng và các vùng phụ cận tổ chức nhiều hoạt động lễ hội tại đền Nghè, đình An Biên…để bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn một vị tướng tài ba, tâm phúc của Hai Bà Trưng. Những giá trị tinh thần đó trải qua thời gian được kết tinh lại thành giá trị văn hóa vô giá của dân tộc nói chung và của người dân Hải Phòng nói riêng, tiếp nối lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016 và tổ chức hằng năm vào ngày mồng 7, mồng 8, mồng 9 tháng 2 âm lịch