Người lao động bị tai nạn, ốm đau được hưởng chế độ ra sao?

(PLO)- Người lao động trên đường đi làm với tuyến đường và thời gian hợp lý mà bị tai nạn giao thông là một trong những điều kiện được hưởng chế độ BHXH.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Trợ cấp BHXH để bù đắp thu nhập cho người lao động”, bài viết thông tin về Hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP” diễn ra tại TP.HCM.

Tại đây, cơ quan BHXH TP.HCM đã giải đáp thắc mắc của một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM liên quan đến các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người lao động (NLĐ). Trên số báo này, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu một số nội dung được bạn đọc quan tâm tìm hiểu.

Nghỉ ốm đau có phải đóng BHYT?

Đại diện một công ty có trụ sở ở quận 7, TP.HCM hỏi trường hợp NLĐ đang nghỉ ốm đau trên 14 ngày trở lên thì có phải đóng BHYT của tháng nghỉ đó không? Nếu không đóng thì NLĐ có được hưởng chế độ BHYT?

14-ban doc.jpg
Công nhân làm việc tại một công ty ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cơ quan BHXH TP.HCM cho biết tại khoản 5 Điều 42 Văn bản hợp nhất số 2525 của BHXH Việt Nam quy định: “NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian không đóng thì NLĐ vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Một doanh nghiệp khác cho biết năm 2022, cơ quan BHXH của một quận tại TP.HCM có ban hành công văn về việc phối hợp vận động, hỗ trợ người thân của NLĐ đang làm việc tại công ty tham gia BHXH, BHYT tự nguyện. Việc đăng ký BHXH, BHYT tự nguyện cho thân nhân NLĐ được thực hiện ra sao?

Đi làm ngày nghỉ thì có được hưởng
chế độ ốm đau?

Tại hội nghị, một công ty ở TP Thủ Đức đặt câu hỏi trường hợp NLĐ đi làm ca đêm, ban ngày họ đi khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, tối về họ vẫn đi làm và công ty vẫn trả lương cho ngày nghỉ đó thì trong trường hợp này NLĐ có được hưởng chế độ ốm đau không?

Cơ quan BHXH TP.HCM cho biết đối với trường hợp trên, do NLĐ vẫn đi làm bình thường và công ty có chi trả lương thì cơ quan BHXH sẽ không thanh toán chế độ ốm đau cho ngày nghỉ đó.

Cơ quan BHXH TP.HCM thông tin: Hiện nay, tỉ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế.

Nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, BHXH TP.HCM đã triển khai vận động doanh nghiệp ký hợp đồng ủy quyền thu để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thân nhân NLĐ tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, việc này chỉ vận động, không bắt buộc công ty phải đăng ký và tham gia.

Đi làm bị tai nạn được hưởng chế độ

Đại diện một ngân hàng tại quận 3, TP.HCM có thắc mắc liên quan đến vấn đề tai nạn lao động.

Cụ thể, đại diện ngân hàng này đưa ra thông tin khi NLĐ lái xe máy cá nhân từ nhà đến công ty hoặc từ công ty về nhà theo tuyến đường và thời gian hợp lý mà không may xảy ra tai nạn, va quẹt gây ra chấn thương. Trường hợp này thì căn cứ như thế nào để xác định đây là tai nạn lao động?

Cơ quan BHXH TP.HCM cho biết tại điểm c khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định NLĐ trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý mà bị tai nạn và bị suy giảm khả năng lao động từ 5%… thì thuộc trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động.

Tại Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người sử dụng lao động và các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng phải có nghĩa vụ hợp tác với đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.

Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm cung cấp cho đoàn điều tra một trong các giấy tờ như: Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn; biên bản điều tra tai nạn giao thông. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của NLĐ hoặc thân nhân NLĐ…

Trong trường hợp nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho NLĐ theo quy định. Mức trợ cấp cho NLĐ bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính NLĐ gây ra là khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm