Tôi là nhân viên phụ trách chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) của một doanh nghiệp tại TP.HCM. Tôi thường xuyên thực hiện các thủ tục hưởng chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động (NLĐ).
Mới đây, tôi làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan BHXH quận 5 giải quyết chế độ ốm đau cho NLĐ trong doanh nghiệp qua phần mềm của cơ quan BHXH.
Sau khi thực hiện việc kê khai trên phần mềm, tôi đã gửi kèm các chứng từ là bản chính giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH qua đường bưu điện cho cơ quan BHXH theo quy định.
Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Thế nhưng, gần một tuần sau thì hồ sơ bị cán bộ phụ trách giải quyết chế độ ốm đau của BHXH quận 5 từ chối và chuyển trả về lại doanh nghiệp. Lý do từ chối là tên doanh nghiệp trong giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH bị viết tắt, không rõ ràng.
Cụ thể, tên công ty trên giấy ra viện ghi “Cty CP ĐT và XD CT3" nhưng thực tế doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan BHXH tên Công ty CP ĐT và XD công trình 3.
Việc bác sĩ điều trị hay bệnh viện cũng như cơ sở y tế điều trị bệnh cho người bệnh viết tắt tên doanh nghiệp là không đúng theo quy định, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế ban hành. Trường hợp này NLĐ, người bệnh phải quay trở lại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh để làm thủ tục yêu cầu cấp lại giấy ra viện và ghi đúng tên doanh nghiệp mới được giải quyết.
Lúc này, doanh nghiệp có liên hệ với cán bộ phụ trách giải quyết chế độ ốm đau của BHXH quận 5 đề nghị xem xét lại hồ sơ và linh động giải quyết hồ sơ, chế độ chính sách cho NLĐ. Bởi việc ghi tắt tên doanh nghiệp là do bác sĩ điều trị, do bệnh viện ghi chứ hoàn toàn không do lỗi của người bệnh.
Thêm nữa việc ghi tắt một vài từ tên doanh nghiệp vẫn có thể nhận biết mà không làm ảnh hưởng nhiều đến quy trình, thủ tục giải quyết chế độ trong khi thủ tục, hồ sơ doanh nghiệp đã làm trên phần mềm.
Hơn thế, chứng từ có ký chữ ký số của người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý đối với chứng từ khi làm thủ tục, hồ sơ yêu cầu giải quyết chế độ cho NLĐ.
Ngoài ra, trước đây khi doanh nghiệp còn đóng các chế độ BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM (chưa chuyển về quận 5 theo phân cấp), cán bộ phụ trách chế độ ốm đau, thai sản BHXH TP.HCM vẫn tiếp nhận hồ sơ qua phần mềm, linh động giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp khi tên doanh nghiệp trên giấy ra viện, giấy nghỉ việc hưởng BHXH được bác sĩ hay cơ sở khám chữa bệnh viết tắt một vài chữ.
Cũng cần nói thêm rằng, cán bộ phụ trách hay bác sĩ điều trị cần viết tên công ty, doanh nghiệp đầy đủ, rõ ràng, tránh việc viết tắt quá nhiều khiến doanh nghiệp cũng như NLĐ gặp khó khi làm thủ tục hành chính, làm hồ sơ đề nghị cơ quan BHXH giải quyết chế độ ốm đau, thai sản.
Tên doanh nghiệp phải đúng với tên đăng ký tại cơ quan BHXH
Từ nội dung bài viết phản ánh của bạn đọc Minh Vũ như đã nêu trên, PLO đã gửi thông tin đến cơ quan BHXH TP.HCM.
Theo một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM, về cách ghi giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được nêu rõ tại khoản 3 Điều 21 Thông tư số 56/2017 của Bộ Y tế (thực hiện theo quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư).
Theo đó, Phụ lục 7 có quy định như sau: “Ghi rõ đơn vị nơi người bệnh làm việc và đóng BHXH theo thông tin do người đến khám bệnh cung cấp; trường hợp con ốm thì ghi tên đơn vị mà người cha hoặc mẹ đang làm việc và đóng BHXH theo thông tin do người đến khám bệnh cung cấp”.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì tên đơn vị ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là "Cty CP ĐT và XD CT3" thì không đúng với tên đơn vị nơi người bệnh làm việc và đóng BHXH tại quận 5 ("Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công trình 3"). Vì thế việc cơ quan BHXH quận 5 từ chối hồ sơ của NLĐ là dựa trên quy định này.
Tuy nhiên, với vụ việc của bạn đọc Minh Vũ nêu, cơ quan BHXH đã xem xét và có hướng linh động giải quyết chế độ ốm đau cho NLĐ.
VÕ HÀ ghi.