Người lao động sốt ruột chờ hỗ trợ tiền trọ

(PLO)- Cần gấp rút triển khai chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà để người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Người lao động sốt ruột chờ hỗ trợ tiền trọ

Từ cuối tháng 3-2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2022 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương trên vào thực tế còn chậm, tiền hỗ trợ chưa đến tay NLĐ do một số vướng mắc.

Người lao động mong ngóng sớm nhận tiền hỗ trợ tiền thuê nhà để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ảnh: P.ĐIỀN

Người lao động mong ngóng sớm nhận tiền hỗ trợ tiền thuê nhà để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ảnh: P.ĐIỀN

Đỡ tháng tiền trọ nào nhẹ lo tháng đó

Hơn 13 năm vào Nam lập nghiệp, anh Định và vợ vẫn bám trụ làm công nhân tại một công ty giày da ở Khu chế xuất Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ngần ấy năm, vợ chồng anh cùng ba đứa con sinh sống trong khu trọ gần khu chế xuất, nơi có đông công nhân nhập cư cùng hoàn cảnh. Anh tâm sự đợt dịch vừa rồi thu nhập của vợ chồng anh sụt giảm, tiền tích lũy không có khiến cuộc sống chật vật nên anh đành gửi đứa con út về quê nhờ cha mẹ chăm sóc.

Vì vậy, khi hay tin có chính sách hỗ trợ tiền trọ, vợ chồng anh rất mừng. “Tôi và nhiều công nhân cùng phân xưởng đã đăng ký từ khá sớm nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi gì. Dù ít nhiều, đây là khoản hỗ trợ để chúng tôi vơi đi gánh lo tiền trọ tháng nào đỡ lo tháng đó” - anh Định chia sẻ.

Tính chung, hiện cả nước mới giải ngân 40 tỉ đồng cho 10.000 lao động. Con số này là quá thấp.

Không chỉ anh Định mà nhiều công nhân khác cũng cho hay đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê trọ. Họ bày tỏ rằng chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất có ý nghĩa nhưng cần giải quyết trong giai đoạn khó khăn mới phát huy hiệu quả, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Giải thích về sự chậm trễ trong việc hỗ trợ tiền trọ cho NLĐ, nhiều công ty thừa nhận do gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam, cho hay chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà được ban hành từ hồi tháng 3-2022 nhưng đến đầu tháng 5 vừa qua mới có hướng dẫn, do đó việc triển khai về cơ sở cần thời gian.

“Bên cạnh đó, dù công ty muốn nhanh chóng triển khai cho anh em công nhân đăng ký hỗ trợ, song do công ty có khu lưu trú cho công nhân ở nên phải chờ thêm hướng dẫn cụ thể dẫn đến mất nhiều thời gian” - bà Vân nói.

Đại diện một số công ty khác cũng thừa nhận đang gặp lúng túng với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Chẳng hạn, trường hợp NLĐ đang thuê nhà nguyên căn, đang thuê nhà trọ mà chủ nhà trọ chưa có giấy phép hoạt động hay công nhân đang ở nhà của cha mẹ nhưng trả tiền thuê... thì có được hỗ trợ tiền thuê nhà không; với những NLĐ không ở trọ mà ở ký túc xá, ở ngay tại doanh nghiệp, hoặc chưa đóng BHXH có được hưởng chính sách hỗ trợ tiền trọ hay không…

Một số công ty có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn công nhân thì cho biết việc cập nhật danh sách, xác minh thông tin của NLĐ, chủ nhà trọ... gặp nhiều vướng mắc và mất nhiều thời gian. Đặc biệt, họ gặp vướng mắc về các thủ tục như giấy xác nhận của chủ nhà trọ, vì không ít chủ nhà trọ không muốn cung cấp thông tin cá nhân hoặc ủy quyền cho người khác. Trong khi đó, Quyết định 08 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải lập danh sách NLĐ và chịu trách nhiệm về tính chính xác. Nếu doanh nghiệp lập hồ sơ không đúng đối tượng, chậm trễ hồ sơ… phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

Trước những vướng mắc nêu trên, mới đây, trong cuộc làm việc với các địa phương, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH giải thích: NLĐ ở thuê, ở trọ, không phải ở nhà của mình là được hỗ trợ nhưng phải được doanh nghiệp xác nhận có quan hệ lao động. Còn NLĐ chưa đóng BHXH thì doanh nghiệp có thể xác nhận bằng bảng lương và chịu trách nhiệm với bảng lương đó…

Dự kiến 3,4 triệu lao động sẽ nhận gói hỗ trợ

Theo Quyết định 08, thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà là NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Dự kiến có 3,4 triệu NLĐ sẽ nhận gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng từ nguồn ngân sách các tỉnh, thành. Đến ngày 15-8-2022, là thời hạn cuối nhận hồ sơ từ doanh nghiệp tổng hợp gửi đến.

Số lao động đã nhận được hỗ trợ chưa nhiều

Theo số liệu cập nhật của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay đã có 55 địa phương ban hành kế hoạch giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà. Tính chung, hiện cả nước mới giải ngân được khoảng 40 tỉ đồng cho 10.000 NLĐ. Con số này là quá thấp.

Riêng TP.HCM là địa phương có số người thuộc diện hỗ trợ nhiều nhất nước với gần 1,2 triệu NLĐ, kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết tính đến ngày 24-5, mới có 27.230 NLĐ đăng ký đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà từ 2.414 đơn vị gửi đến. Và đến nay chưa có NLĐ nào nhận tiền hỗ trợ.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng nêu một số băn khoăn, vướng mắc trong Quyết định 08 như nếu không được hướng dẫn kỹ từ cơ quan có thẩm quyền sẽ bỏ lọt đối tượng thụ hưởng, mất đi ý nghĩa của chính sách hỗ trợ vượt khó khăn, ổn định cuộc sống và việc làm. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chủ động thực hiện thủ tục để chính sách hỗ trợ để tiền sớm đến tay NLĐ.

Trước thực tế trên, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xử lý về vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh chóng, kịp thời… để tiền hỗ trợ đến tay NLĐ. Trước sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã cử các đoàn công tác về các địa phương nắm tiến độ thực hiện để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc.•

Phối hợp để triển khai nhanh hơn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra ngày 4-6, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng việc triển khai chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà chậm do một số nguyên nhân. Thứ nhất, do cán bộ địa phương gặp lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp. Thứ hai, một số nơi chưa bố trí kịp nguồn kinh phí, chờ kinh phí ngân sách trung ương phân bổ.

Thứ ba, một số công ty ngại NLĐ trục lợi nên tự ý phát sinh quy định, như đòi NLĐ cung cấp giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ. Thứ tư, một số công ty chưa chủ động hoặc số NLĐ lớn.

Về giải pháp, bà Hà cho biết: “Chúng tôi đã có công văn đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp phê duyệt danh sách, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động lập danh sách và rà soát NLĐ nhanh chóng hơn. Đồng thời, chúng tôi tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, tuyên truyền các chính sách, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện để chủ trương sớm đi vào cuộc sống...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm