Dịch COVID-19: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - Bài 2

Người lính khoác blouse trắng và cuộc chiến kép

(PLO)- Chính thức nhận lệnh sang BV dã chiến số 7 từ ngày 11-7-2021, Thiếu tá-BS Trần Minh Tuấn (Khoa nội tiêu hóa, BV Quân y 175) cùng 74 đồng đội tiếp quản tòa B4 của bệnh viện.

Năm tuần sau, đã có 2.000 người được tiếp nhận điều trị và xuất viện. Những thành quả bước đầu của đội ngũ y bác sĩ vừa là động lực nhưng cũng mang nhiều thách thức khi đã có nhiều lực lượng tuyến đầu bị phơi nhiễm, trở thành F0 trong quá trình làm việc.

Căn phòng nằm cạnh lối thang máy của lầu 5 tòa B4 là nơi theo dõi, điều trị các F0 có triệu chứng. Trong bộ đồ bảo hộ, anh Nguyễn Quốc Tuấn (y sĩ Khoa tai mũi họng, Bệnh viện (BV) Quân y 175) bước đến giường thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân.

Là y sĩ chăm sóc, chữa trị cho các F0 nhưng ít ai biết anh Tuấn cũng vừa “đánh thắng” con COVID-19. Ngược thời gian, khi thực hiện công tác tại BV được bảy ngày, anh nhận kết quả dương tính với COVID-19. “Phơi nhiễm là nguy cơ mà ai cũng có thể gặp phải và nó đã đến với tôi. Quyết định lên đường thì đã xác định đâu cũng là chiến trường, vì thế thời điểm khi biết mình nhiễm bệnh, tôi không quá bất ngờ” - anh Tuấn nhớ lại thời điểm mình đến với BV dã chiến.

Gác lại những hoạt động chăm sóc bệnh nhân, anh Tuấn chuyên tâm cách ly, điều trị. Theo anh, những ngày nằm trong phòng cách ly, bản thân mới hiểu được những cảm nhận của bệnh nhân F0. “24 tiếng một mình với bốn bức tường, bạn cứ tưởng tượng rất bức bách. Nhưng mình phải luôn lạc quan. Đến giai đoạn mất khứu giác và vị giác, mình không thể ăn được gì, tự nhủ lòng phải cố gắng để khỏe lại và cùng đồng đội chiến đấu tiếp” - anh Tuấn xúc động nhớ lại.

Sau 11 ngày cách ly, điều trị, được kết quả âm tính, 24 giờ sau anh tiếp tục bắt tay vào chăm sóc người bệnh. Từ những trải nghiệm của bản thân khi đã từng chiến đấu với F0, giờ đây anh Tuấn càng nỗ lực, đặt mình vào vị trí của người bệnh để giúp đỡ họ.

BS Trần Minh Tuấn (Khoa nội tiêu hóa, BV Quân y 175) cũng là đội trưởng đội điều trị F0 của BV dã chiến số 7 khi đó. BS Tuấn cũng bị phơi nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ.

BS Tuấn cũng có nhiều trăn trở khi thấy đồng đội mình bị phơi nhiễm. “Khi nhận được kết quả dương tính của các bạn, đầu tiên là tôi lo sức khỏe của các bạn. Trong khi BV chưa có tiền lệ y bác sĩ phơi nhiễm bao giờ. Do đó, tôi rất cân não để đưa ra quyết định, giữ đồng đội ở đây để điều trị hay đưa về BV, vì ban giám đốc cũng mong muốn đưa F0 về để điều trị. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, năm bạn đầu tiên trở thành F0 không ai muốn trở về cả. Vì vậy, chúng tôi quyết định rất nhanh và thuyết phục ban giám đốc BV đồng ý cho đồng đội của mình ở lại cách ly, điều trị” - BS Tuấn cho biết.

“Khi tôi bệnh nằm xuống, cũng có lúc thấy thương các cháu và e ngại những điều không may. Nhưng cảm xúc đó nhanh chóng được lấp đầy bằng những lời động viên của các con. Đi làm dù có mệt nhưng tôi sẽ cố gắng không để một chút yếu đuối nào len lỏi khiến người nhà phải bận tâm” - y sĩ Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ.

“Thật sự lúc bị nhiễm, điều làm tôi lo nghĩ nhất là nguy cơ ảnh hưởng đến đồng đội của mình, là những anh em cùng ở, cùng làm việc. Mỗi anh F0 bị cách ly, các anh chị khác phải gồng gánh cả công việc của họ. Vì vậy, khi ai không may bị F0 thì bằng kinh nghiệm y khoa của bản thân, cộng với những nhiệm vụ đặt trên vai, chúng tôi luôn cố gắng làm sao để khỏe lại nhanh nhất có thể, sớm phục vụ người bệnh” - BS Trần Minh Tuấn nói.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, những người ở tuyến đầu không chỉ đối diện với hiểm nguy, mà họ còn phải gác lại hạnh phúc của riêng mình.

BS Mai Xuân Trường (Khoa bỏng, BV Quân y 175) kể lại: Công việc của anh khi đó là lấy thuốc cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị. Lẽ ra ngày 18-7-2021 là ngày cưới của anh nhưng dịch bệnh làm cho mọi kế hoạch cưới của đôi bạn trẻ bị hoãn lại. “Thật sự mình rất buồn nhưng không vì chuyện cá nhân mà lại quên đi việc TP đang căng mình chống dịch. Mình là bác sĩ nên càng phải ý thức hơn về nghĩa vụ của người thầy thuốc” - BS Trường bộc bạch.

Vợ tương lai của anh là chị Nguyễn Ngọc Lan Anh (26 tuổi), cả hai quen nhau ba năm mới quyết định tiến tới hôn nhân. BS Trường cho biết anh cũng cảm thấy rất may mắn vì vợ không chỉ đồng cảm mà còn động viên anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

“Từ trước tới giờ tôi và vợ ít khi phải xa nhau lắm, đây là đợt mà chúng tôi phải xa nhau nhiều đến thế. Chúng tôi chủ yếu chỉ nói chuyện với nhau qua điện thoại hoặc nhắn tin. Mỗi ngày ở đây, tôi gặp rất nhiều hoàn cảnh, vợ mất chồng, chồng mất vợ hay con mất cha mẹ… Tôi cũng mong ước người thân ở nhà luôn bình an. Những lúc tan ca, tôi thường gọi cho cô ấy, chia sẻ về một ngày làm việc. Tôi thấy may mắn vì vẫn còn người thân bên cạnh mình, cũng thấy rất thương vợ vì những năng lượng tích cực mà cô ấy đã truyền cho tôi mỗi khi công việc làm tôi cảm thấy áp lực” - BS Trường tâm sự.

Cũng như BS Trường, nhận được sự kêu gọi chi viện cho BV dã chiến số 7, Trung úy-BS Nguyễn Thế Hoàng (Khoa nội tiết niệu, BV Quân y 175) và bạn gái là chị Trần Thị Thương (Khoa chẩn đoán hình ảnh, BV Quân y 175) cùng xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Trước đó, cả hai cũng đã có kế hoạch tiến tới hôn nhân nhưng khi dịch đến, đôi bạn trẻ đã quyết định gác lại mọi dự định, cùng thực hiện nhiệm vụ của tuyến đầu.

Về tính chất công việc, trong một kíp trực sẽ có sự phân công, nhân viên nữ được ưu tiên làm công việc ở phòng hành chính, còn nam thì làm dưới tầng hầm nhận bệnh. “Dù ở gần nhau nhưng tụi em chỉ có thể nghe được giọng nhau thông qua bộ đàm.

Trong cuộc chiến chống dịch, đã có rất nhiều những sự chờ đợi, chờ đợi ngày TP trở lại bình thường, chờ đợi để được đoàn viên bên gia đình… tất cả đi đôi với nỗ lực, ý thức và sự hy sinh của từng cá nhân, tập thể.

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới