Người lớn phải mẫu mực

Đúng là hiện nay có nhiều vụ án do các em HS-SV gây ra. Có những vụ rất đau lòng khiến hung thủ phải nhận mức án cao nhất mà tôi không tiện nêu ra ở đây. Nguyên nhân thì nhiều như PGS-TS Nguyễn Hồi Loan đã nêu trong đó có nguyên nhân từ gia đình ra đến xã hội.

Trong quá trình làm nghề, tôi nhận thấy con đường dẫn đến việc một số em phạm tội là do mất lòng tin vào các bậc cha mẹ, thầy cô hoặc liên tục chứng kiến những hành vi không chuẩn mực từ hai nhóm người này nên các em bất chấp, sẵn sàng gây án..

Có em tâm sự: Hồi trước thấy thầy cô là sợ lắm vì các thầy nghiêm nhưng giờ thấy cũng bình thường vì thầy cũng có khi phạm tội như gạ tình, quan hệ nam nữ bất chính, có thầy cô thì ăn hối lộ… Có em thì bất mãn do tưởng các bậc cha mẹ là đấng thiêng liêng nhưng ai ngờ cũng có người cha xâm hại con ruột, có người cha thì hung hãn hành hạ, đánh đập mẹ con.

Người lớn phải mẫu mực ảnh 1

Việc nêu gương tốt từ các bậc cha mẹ, thầy cô sẽ tác động rất tốt vào suy nghĩ, hành động của các em. Ảnh: HTD

Một khi lòng tin bị giảm sút ở các bậc cha mẹ, thầy cô và thiếu đi những định hướng tích cực khác từ ngoài xã hội thì các em hay nổi máu yêng hùng, anh hùng rơm, cuối cùng là gây án, trường học cá nhân người đó không được coi trọng thì họ sẽ tìm sự tôn trọng trong những nhóm bạn lệch chuẩn. Mà đã lệch chuẩn thì sự vi phạm chuẩn mực xã hội, pháp luật thì trước sau gì cũng xảy ra.

Tôi đồng ý là chúng ta cần tổng hòa các biện pháp nhằm giáo dục, định hướng tốt cho các em để giảm thiểu tình trạng các em học sinh phạm tội, cần phải thật chú trọng đến việc nêu gương tốt từ các bậc cha mẹ, thầy cô. Các bậc cha mẹ, thầy cô cư xử chuẩn, thực hiện nghiêm túc pháp luật, sống yêu thương chan hòa thì sẽ tác động rất tốt vào suy nghĩ, hành động của các em. Nếu nền tảng của các em đã được trang bị đầy đủ với những giá trị tốt thì đứng trước các lựa chọn hành vi, các em có điểm tựa nhân cách trong mình để hành động đúng.

Ngoài ra, theo tôi chính sách khoan hồng của pháp luật ta đối với những người vị thành niên hoặc đối với các em HS-SV (như khi xem xét hình phạt cũng chú ý đến việc làm sao có thể tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập) là rất hay.

Thật ra chỉ khi nào cần kíp lắm thì mới nặng về tính răn đe làm hết sức có thể để dưỡng dục, giáo dục các em trở thành người có ích chứ không thể cứ thấy sai là phạt.

LS  NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm