Lừa đảo trên không gian mạng: Những mối nguy rình rập!

(PLO)- Các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng trong xã hội hiện đại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý hành vi lừa đảo trên không gian mạng nhưng hành lang pháp lý vẫn chưa đủ chặt chẽ để đối phó với sự phát triển nhanh chóng của tội phạm công nghệ cao. Các quy định hiện hành vẫn chưa thể bao quát hết các phương thức phạm tội mới và sự tiến bộ của công nghệ.

Khó phân biệt thật - giả

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn, cho biết các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng hiện ngày càng tinh vi nhờ vào sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), một số công nghệ như deepfake, deepvoice giúp tạo ra nội dung giả mạo tinh vi, khó phân biệt.

Bên cạnh đó, việc tạo tài khoản giả, sử dụng công nghệ ẩn danh như VPN, email ảo, tạo website giả, sử dụng bot tự động với chi phí thấp nhưng lợi nhuận cao đã thúc đẩy sự lan rộng của vấn nạn này. Ngoài ra, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện cũng góp phần làm gia tăng tình trạng lừa đảo. Các hình phạt chưa đủ sức răn đe, khó khăn trong xử lý các vụ việc xuyên biên giới và thời gian điều tra kéo dài làm giảm hiệu quả ngăn chặn.

Cuối cùng, sự phổ biến của mạng xã hội và giao dịch trực tuyến với lượng người dùng khổng lồ cùng với việc thiếu kiểm duyệt nội dung đã tạo điều kiện cho các chiêu trò lừa đảo phát tán nhanh chóng.

Đặc biệt, tỉ lệ báo cáo thấp từ phía nạn nhân do sợ mất uy tín hoặc e ngại trách móc khiến việc điều tra và ngăn chặn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Cũng theo ông Hiếu, người dân có thể nhận biết các chiêu trò lừa đảo trực tuyến thông qua một số dấu hiệu rõ ràng. Trước tiên, cần cảnh giác với bất kỳ yêu cầu bất thường nào về việc cung cấp thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, mã OTP, nhận diện khuôn mặt hoặc dữ liệu sinh trắc học. Đồng thời, những ưu đãi “quá hấp dẫn” như trúng thưởng lớn, việc nhẹ lương cao, vé máy bay giá rẻ hay đầu tư siêu lợi nhuận thường là mồi nhử để đánh lừa người dùng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo thường tạo áp lực thời gian, yêu cầu phản hồi ngay lập tức nhằm không cho nạn nhân cơ hội kiểm chứng.

“Đặc biệt, cần tránh nhấp vào liên kết đáng ngờ dẫn đến trang web yêu cầu thông tin cá nhân hoặc tải về tệp lạ có đuôi như .apk, .exe, .zip hoặc .bat...” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Lừa đảo trên không gian mạng
Các đối tượng dùng công nghệ deepfake giả mạo công an đề nghị cung cấp các thông tin cá nhân. Ảnh: TM.

Cần quy định rõ hơn về tội danh

Luật sư Phùng Thị Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại Điều 81 Nghị định 15/2021 quy định hành vi lừa đảo trên không gian mạng chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng có thể bị phạt 30-50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng phương tiện giao tiếp trực tuyến để chiếm đoạt tài sản. Phạt 70-100 triệu đồng nếu truy cập trái phép vào tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc thiết lập hệ thống lừa đảo qua cuộc gọi quốc tế. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và nộp lại số tiền chiếm đoạt bất hợp pháp.

Chưa hết, theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017), hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng nhưng có yếu tố tái phạm, chưa xóa án tích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc chiếm đoạt tài sản là phương tiện kiếm sống có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, cao nhất là tù chung thân, tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt và mức độ nguy hiểm của hành vi.

Theo luật sư Huyền, về cơ bản, quy định xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, do đó cần có hướng dẫn về biện pháp, phương thức xác định dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản một cách cụ thể, thích ứng với các phương thức phạm tội mới để có thể xác định dấu hiệu của tội phạm dễ dàng hơn, tránh nhập nhằng giữa tội lừa đảo với các tội danh tương tự khác hay tranh chấp dân sự.

Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung các phương thức tiếp nhận và giải quyết nguồn tin tội phạm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin thay vì các phương thức tiếp nhận truyền thống nhằm giảm tải cho đội ngũ cán bộ, tăng cường hiệu quả công việc, nhanh chóng giải quyết, thu hồi tài sản cho nạn nhân.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về việc ngăn chặn tẩu tán tài sản, bổ sung các quy định về việc xác minh nguồn gốc tài sản đối với không chỉ người thực hiện hành vi phạm tội và những người thân, người liên quan.

Cách nhận diện cuộc gọi giả mạo video deepfake

Để nhận diện cuộc gọi giả mạo video sử dụng công nghệ deepfake, người dùng cần chú ý đến một số dấu hiệu như thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây, khuôn mặt người gọi thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói hoặc lúng túng, không tự nhiên hoặc hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau.

lua-dao-tren-khong-gian-mang-nhung-moi-nguy-rinh-rap.jpg
Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn.

Ngoài ra, màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí, video trông rất giả và không tự nhiên. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh. Ngắt máy giữa chừng với lý do mất sóng, sóng yếu...

Ông NGÔ MINH HIẾU (Hiếu PC), đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm