Người nhặt vàng được quyền sở hữu

LTS: Sau các ý kiến pháp lý xung quanh vụ nhặt vàng ở Cà Mau đã đăng tải,Pháp Luật TP.HCMnhận được bài viết của TS Lê Minh Hùng, Trưởng bộ môn Luật dân sự - ĐH Luật TP.HCM. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết về vấn đề pháp lý khá thú vị này.

Hiện nay dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên để chị công nhân nhặt rác (chị Phạm Tuyết Mai) hưởng quyền sở hữu số vàng nhặt được hay trả lại cho người mất vàng (chị Nguyễn Thị Bích Ngân). Tình huống này quả thật khó giải quyết lưỡng toàn, vừa thấu lý vừa đạt tình.

Công an đã làm đúng quy định

Chị Ngân bị mất tài sản và có báo với công an địa phương. Công an tiếp nhận thông tin đã lập biên bản ghi nhận sự việc cớ mất của chị. Làm như vậy là đúng pháp luật. Việc thông báo tìm kiếm tài sản bị mất là việc của chủ sở hữu (chị Ngân), không phải là trách nhiệm của công an. Có chăng là đơn vị này đã không chú ý tới thông tin tìm kiếm tài sản đã được nơi tiếp nhận quản lý tài sản đánh rơi, bỏ quên đăng trên phương tiện thông tin đại chúng ngay sau đó.

Chị Mai phát hiện tài sản trong rác và đã thông báo, giao nộp theo quy định. Công an tiếp nhận việc giao nộp của người phát hiện đối với tài sản do bị đánh rơi, bỏ quên…, thông báo công khai để tìm chủ sở hữu tài sản và xử lý cho chị Mai được hưởng quyền sở hữu theo luật định sau khi hết thời hiệu cũng là đúng luật.

Chị Ngân là chủ tài sản đã không biết được thông tin này là do chị chưa quan tâm đến việc theo dõi thông tin về tài sản bị mất. Có thể nói chị đã thiếu may mắn, không nắm được thông tin nên không có cơ hội đến nhận lại tài sản trong thời hạn luật định.

Người phát hiện được hưởng quyền sở hữu

Trường hợp trên đây được gọi là việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Thời hạn một năm để chờ người mất tài sản đến nhận lại tài sản sau khi thông báo tìm kiếm gọi là thời hiệu hưởng quyền. Ngay sau khi hết thời hiệu (một năm) mà chủ sở hữu không đến nhận lại tài sản thì người phát hiện được xác lập quyền sở hữu (khoản 1 Điều 155 BLDS 2005). Việc xác lập quyền sở hữu này không phụ thuộc vào việc Công an TP Cà Mau đã làm thủ tục giao tài sản (vàng) cho chị Mai hay chưa.

Việc chủ sở hữu xuất hiện sau ngày tài sản đã bị xác lập quyền sở hữu không thể làm thay đổi hệ quả pháp lý của việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. Bởi lẽ nếu giải quyết trả lại tài sản trong trường hợp này thì sẽ làm cho quy định về thời hiệu hưởng quyền trở nên vô nghĩa và tranh chấp dân sự sẽ phát sinh, kéo dài mãi không dứt.

Có ý kiến cho rằng dường như pháp luật đã bất cập vì chỉ có quy định về thời hiệu hưởng quyền sở hữu do người phát hiện thực hiện đúng thủ tục giao nộp, thông báo công khai nhưng lại thiếu quy định về việc người bị mất tài sản cũng có thông báo công khai. Tôi không nghĩ có sự thiếu sót ở đây. Các hành vi pháp lý được cả hai bên tiến hành như trên là hai việc khác nhau, có hệ quả pháp lý khác nhau.

Theo luật, chị Mai nhặt được vàng (động sản) và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nên khi hết thời hiệu hưởng quyền (một năm) thì chị Mai phải được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Công an TP Cà Mau áp dụng Điều 241 BLDS để cho chị Mai hưởng 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu, theo tôi là đúng.

Cũng theo luật (khoản 7 Điều 171 BLDS 2005), khi tài sản đã bị người khác (chị Mai) xác lập quyền sở hữu thì quyền sở hữu của người chủ tài sản (chị Ngân) sẽ chấm dứt.

Còn quyền lợi của người mất vàng thì sao?

Với chị Ngân - người bị mất tài sản thì mọi việc như làm đơn cớ mất tại công an, thậm chí thông báo trên mạng Internet, trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tìm kiếm tài sản bị mất suy cho cùng cũng là giải pháp khắc phục nhằm có được cơ may tìm lại tài sản. Biện pháp này không làm cho chị Ngân có lại được tài sản.

Tuy nhiên, do chị Ngân đã báo công an và được lập biên bản ghi nhận sự việc nên đây là bằng chứng để chứng minh việc chị Ngân có mất tài sản (hoặc suy đoán là có bị mất tài sản). Khi tài sản chưa bị người khác xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu hoặc khi tài sản đó bị người khác chiếm đoạt trái pháp luật (lấy trộm chẳng hạn) thì chị Ngân được cơ quan hữu quan giải quyết cho nhận lại.

Việc chị Ngân làm cớ mất, thông báo công khai việc mất tài sản không có giá trị pháp lý để bảo lưu quyền sở hữu một cách vĩnh viễn và cũng không có hiệu lực chống lại việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu (của người khác, trong trường hợp này là của chị Mai). Theo đó, khi hết thời hiệu hưởng quyền thì chị Mai đã trở thành chủ sở hữu đối với tài sản và đây là quyền lợi hợp pháp của chị Mai được pháp luật tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Khi tài sản được chị Mai xác lập quyền sở hữu thì đồng thời chị Ngân cũng bị mất quyền sở hữu (khoản 7 Điều 171 BLDS 2005).

Trong vụ việc trên, gần một nửa giá trị tài sản còn lại (phần còn lại sau khi chị Mai đã hưởng) đã bị Nhà nước xác lập quyền sở hữu. Theo tôi, dù tài sản đã bị người khác (trong đó có Nhà nước) xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu nhưng do chị Ngân đã làm đơn cớ mất nên chị Ngân có thể đòi lại phần này. Bởi lẽ khi chị Ngân làm đơn cớ mất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ làm phát sinh nghĩa vụ của các cơ quan hữu quan trong việc tìm kiếm và hoàn trả tài sản đã mất. Nhà nước là chủ sở hữu giàu có nhất và cũng là chủ thể có trách nhiệm trong việc bảo vệ, bảo đảm các quyền sở hữu tài sản, các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, nên đòi hỏi Nhà nước phải hoàn trả phần tài sản còn lại cho chị Ngân là hợp lý, hợp tình.

* * *

Con người sống trong xã hội văn minh, có pháp luật thì phải sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng con người nhân văn không chỉ làm theo pháp luật mà còn hành xử theo đạo lý. Luật pháp chỉ nên được xem như là “đạo đức tối thiểu” do Nhà nước ban hành để bảo đảm con người xử sự theo một trật tự nhất định. Nhưng luật pháp cũng khuyến khích mọi người trong xã hội ứng xử với nhau hợp đạo lý và lẽ công bằng. Chị Mai có quyền làm theo luật, tức được hưởng quyền sở hữu số tài sản mà chị đã vô tình phát hiện. Nhưng nếu chị Mai trả lại toàn bộ hay một phần tài sản đó cho chị Ngân thì mọi người càng yêu quý và ủng hộ chị Mai nhiều hơn. Đó là nghĩa cử đáng trân trọng, góp phần làm cho cuộc sống này đẹp hơn.

Số vàng chị Phạm Tuyết Mai nhặt được đã giao nộp cho công an và công an đã có thông báo công khai về sự việc này. Tuy nhiên, sau một năm không tìm được chủ sở hữu thì chị Mai được quyền xác lập quyền sở hữu đối với số vàng này theo Điều 241 BLDS. Theo đó, chị Mai được hưởng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định sau khi trừ chi phí bảo quản và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Chị Mai được xác lập quyền sở hữu đối với số vàng này còn phù hợp với quy định của khoản 6 Điều 170 BLDS về căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên... Và khi chị Mai xác lập quyền sở hữu thì người bỏ quên tài sản cũng chấm dứt quyền sở hữu theo khoản 7 Điều 171 BLDS, điều này cũng phù hợp với Điều 250 BLDS.

ThS HUỲNH VĂN ÚT,
Thẩm phán TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm