Người nổi tiếng vi phạm trên mạng: Phải tăng mức phạt!

(PLO)- Đại diện Bộ TT&TT cho biết mức phạt hiện nay đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm trên không gian mạng chưa đủ sức răn đe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại họp báo thường kỳ tháng 3-2024, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Lê Quang Tự Do nhấn mạnh: “Trong một số trường hợp vi phạm, tăng mức phạt như thế nào cũng không đủ. Khi họ có nhận thức khác về pháp luật, phải có hình thức xử lý cao hơn hành chính, chẳng hạn xử lý hình sự”.

Xử phạt trăm triệu đồng cũng không ăn thua

Cụ thể, ông Tự Do cho biết mức phạt vi phạm hành chính hiện nay đối với các trường hợp như trên là 5-10 triệu đồng và các sở thường chọn mức ở giữa 7,5 triệu đồng.

Với phần lớn người dân vi phạm, đây là mức xử phạt hành chính có tác động lớn. Tuy nhiên, mức phạt này chưa đủ sức răn đe với một số đối tượng vi phạm khác như người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOLs, người bán hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

vi phạm
P12_tang-muc-phat_h2.jpg
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: MỸ TRÀ PGS-TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: QUOCHOI.VN

Bởi vì theo ông Tự Do, có trường hợp nghệ sĩ nhận hợp đồng quảng cáo hàng tỉ đồng, do đó ngay cả khi vi phạm, bị xử phạt số tiền hàng trăm triệu đồng họ cũng không lo lắng.

Để xử lý tình trạng nói trên, Bộ TT&TT đang đồng thời làm hai việc. Thứ nhất, Bộ TT&TT vừa trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 72/2013, bổ sung hàng loạt quy định với hoạt động trên mạng xã hội, không gian mạng.

Thứ hai, khi nghị định thay thế được ban hành, dự kiến giữa năm 2024, Bộ TT&TT sẽ tham mưu quy định xử phạt mới, tăng mức tiền phạt, hình phạt bổ sung với hành vi vi phạm trên không gian mạng để tăng sức răn đe.

Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT chỉ ra rằng văn hóa livestream đang đối mặt với khó khăn trong việc phát triển các công cụ giám sát hình ảnh. Cục PTTH&TTĐT đã hợp tác với một số công ty công nghệ lớn như FPT, Viettel để đặt hàng và phát triển các công cụ cần thiết.

“Đây là một cuộc rượt đuổi giữa chính và tà. Trong quá trình đó, chúng tôi chưa có đủ công cụ phát hiện các nội dung nhạy cảm, vì thế rất cần sự hỗ trợ từ tai mắt của quần chúng nhân dân và báo chí” - ông Tự Do chia sẻ.

Theo ông Tự Do, việc hạn chế phạm vi tiếp cận đông đảo khán giả của nghệ sĩ, KOLs, người bán hàng có sức ảnh hưởng... cũng là một hình thức xử phạt đảm bảo tính răn đe cao hơn.

Dù vậy, trong quá trình xử lý vi phạm, Bộ TT&TT còn gặp một số khó khăn. Đó là nhiều trường hợp không thể xác định được danh tính thật, địa chỉ hoặc đang sinh sống ở nước ngoài.

Bộ đang khắc phục tình trạng danh tính ảo bằng cách bổ sung quy định xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động trong Nghị định thay thế Nghị định 72.

Thái độ của công chúng là “hình phạt” lớn nhất

Nhìn nhận thực tế về nghệ sĩ, KOLs có những hành động, phát ngôn lệch chuẩn, trái thuần phong mỹ tục, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, cho rằng điều này liên quan rất nhiều đến nhận thức, trình độ và thái độ ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân.

“Có những người có năng khiếu nhất định về nghệ thuật nhưng họ lại không biết ứng xử sao cho có văn hóa. Họ coi mình trên thiên hạ, nói năng bạt mạng, ứng xử vô lối” - PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ.

Qua đó, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định rằng để có được những ứng xử, hành xử chuẩn mực, đúng đắn phải xuất phát từ chính người nghệ sĩ, KOLs đó.

Cũng theo ông, hình phạt lớn nhất đối với người nổi tiếng ứng xử không đúng mực, vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng đó chính là thái độ của công chúng. Khi công chúng coi thường thậm chí dè bỉu, đàm tiếu về những điều sai, không chuẩn mực của nghệ sĩ, KOLs cũng là cách để điều chỉnh hành vi và ứng xử của bộ phận này.

Dẫn ra một số quy định, quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, KOLs trên mạng xã hội, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá điều này đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, hiện tượng vi phạm quy tắc ứng xử, phát ngôn lệch chuẩn của nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng vẫn còn. Điều này tác động nghiêm trọng đến nhận thức, hành vi, lối sống, thói quen, ngôn ngữ của rất nhiều người, đặc biệt của giới trẻ.

“Giới trẻ đang trong quá trình hình thành nên nhận thức, việc tò mò, hiếu kỳ rất dễ ảnh hưởng đến nhận thức của họ. Vì lý do đó, chúng ta quyết tâm làm trong sạch môi trường mạng. Từ việc làm trong sạch môi trường mạng, chúng ta sẽ trong sạch môi trường văn hóa của toàn xã hội” - PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói.

Tiếp tục ghi nhận phản ánh từ báo chí

Theo ghi nhận của Bộ TT&TT, hiện tượng một số nghệ sĩ, KOLs, người có lượng theo dõi cao quảng bá cho các website cờ bạc đổi thưởng tiếp tục tái diễn.

Ông Tự Do cho biết đây không phải là sự việc mới. Thời gian trước đã có một số nghệ sĩ có hình thức quảng cáo trá hình (mặc áo có in đường link dẫn đến các trang web cờ bạc) nhảy múa, ca hát trên mạng xã hội. Các sở TT&TT đã xử lý nghiêm các trường hợp này.

Tuy nhiên, văn hóa livestream đang đối mặt với khó khăn trong việc phát triển các công cụ giám sát hình ảnh, nên vẫn cần dựa vào sự hỗ trợ từ tai mắt của quần chúng nhân dân và báo chí phản ánh để tiếp tục xử lý. Đối với trường hợp đã rõ ràng, việc xử lý vi phạm rất dễ dàng nhưng nếu nghệ sĩ, người nổi tiếng đó cố tình vi phạm nhưng che giấu sẽ có các biện pháp xử lý khác, không chỉ có xử phạt vi phạm hành chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm