Bộ VH-TT&DL cùng với Bộ TT&TT sẽ đưa vào diện xem xét kiểm soát, hạn chế hình ảnh, hoạt động của những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng…
Kiểm soát hình ảnh xuất hiện của nghệ sĩ vi phạm
Trước đó, tại họp báo quý III-2023 diễn ra vào ngày 9-10, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT&DL), cho biết đơn vị này đang phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hoặc không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội.
“Bộ VH-TT&DL đã ban hành quy tắc ứng xử trong hoạt động nghệ thuật, những hành vi vi phạm đạo đức, ứng xử, nhất là trong việc quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin tới công chúng, gây ảnh hưởng xấu thì ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật về quảng cáo, những người này sẽ được Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT đưa vào diện xem xét, kiểm soát trong quy trình xử lý. Việc xem xét, kiểm soát này có thể là lập danh sách “cảnh báo”, gửi đến các cơ quan liên quan để kiểm soát hình ảnh xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như hoạt động xã hội” - ông Sơn nói.
“Chúng tôi đã phối hợp với Bộ TT&TT làm xong dự thảo, lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cấp có thẩm quyền và chờ phê duyệt. Dự kiến cuối năm nay sẽ xong việc này” - ông Sơn cho biết.
Danh sách “trắng” là những nghệ sĩ không vi phạm quảng cáo sai sự thật, khuyến khích các nhà quảng cáo chọn để quảng cáo. Còn danh sách “đen” là những nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo có bị xử phạt.
Ông Sơn bày tỏ mong muốn qua những biện pháp quyết liệt này, người nổi tiếng sẽ có ý thức hơn, nhất là việc phát ngôn, quảng cáo hoặc có những ứng xử không phù hợp trên mạng xã hội.
Tại một cuộc họp mới đây, liên quan đến một diễn viên nhận lỗi vì đã quảng cáo sai sự thật, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cũng cho biết không chỉ riêng diễn viên này, với các cá nhân, đơn vị được xác định là vi phạm, sở sẽ xem xét đưa các cá nhân này vào “blacklist” (danh sách “đen”) của Bộ TT&TT. Các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, doanh nghiệp được khuyến cáo không hợp tác với các kênh nằm trong danh sách này.
Quy trình xử lý ra sao?
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ đầu tháng 10 của Bộ TT&TT, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cho biết “blacklist” (danh sách “đen”) và “whitelist” (danh sách “trắng”) là sáng kiến của Bộ TT&TT triển khai vào đầu năm 2023, phối hợp với doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và các nhãn hàng lớn trong nước.
Danh sách “trắng” là những nghệ sĩ không vi phạm quảng cáo sai sự thật, khuyến khích các nhà quảng cáo chọn để quảng cáo. Còn danh sách “đen” là những nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo có bị xử phạt.
Theo quy trình xử lý, Bộ TT&TT lập một danh sách nghệ sĩ vi phạm. Bộ VH-TT&DL dựa trên danh sách này và mức độ vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định trong bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật sẽ có hình thức thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền hình để kiểm soát sự hiện diện của những nghệ sĩ này.
Sự kiểm soát này bao gồm sự xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng đến cả các hoạt động xã hội khác…
Thế nào là danh sách “đen”?
Sáng kiến danh sách “đen” và danh sách “trắng” của Bộ TT&TT đối với các nghệ sĩ có hai nội dung chính. Một là các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo vào các trang, kênh có đăng ký với Bộ TT&TT, được bộ xác thực, cấp phép. Hai là không quảng cáo, hợp tác với các trang, kênh, đối tượng vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ sẽ có thời gian không hợp tác cụ thể.
“Khi Bộ TT&TT làm việc với các nhãn hàng, đại lý quảng cáo thì nhận được sự ủng hộ rất lớn. Việc này vừa làm trong sạch không gian mạng, vừa bảo vệ an toàn thương hiệu vì khi quảng cáo trên các kênh, trang vi phạm pháp luật thì chính doanh nghiệp cũng bị xử lý vi phạm hành chính và bị ảnh hưởng đến thương hiệu” - ông Tự Do chia sẻ.