Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP với nội dung như trên sau khi có kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP. Sở cho hay đã tổ chức lấy ý kiến góp ý các sở, ngành liên quan về thủ tục, hồ sơ để tạo điều kiện cho Việt kiều, cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để TP báo cáo Thủ tướng và Bộ Xây dựng.
Các cơ quan cũng thống nhất với kiến nghị gia hạn quyền sở hữu nhà ở cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài sau khi hết thời hạn 50 năm. Theo đó, người nước ngoài được gia hạn quyền sở hữu nhà ở mà không phải chịu thêm chi phí nào khác ngoài lệ phí hành chính theo quy định. Sở Xây dựng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà từ nước ngoài vào Việt Nam.
Ngoài hai nội dung trên, một số kiến nghị khác của Hiệp hội BĐS không được các sở, ngành chấp thuận để trình TP. Hiệp hội đề xuất Chính phủ công bố hoặc ủy quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an công bố công khai khu vực đảm bảo quốc phòng, an ninh mà người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà. Bởi lẽ Điều 159 Luật Nhà ở có quy định về việc cá nhân, tổ chức nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở tại “khu vực đảm bảo quốc phòng, an ninh”.
Theo Sở TN&MT, nội dung này đã được quy định tại Nghị định 99/2015 là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua. Điều này có thể hiểu sẽ có danh mục do Sở Xây dựng xác định dự án nhà ở nào người nước ngoài không được mua. Tuy nhiên, Sở Xây dựng không thống nhất ý kiến trên. Sở Xây dựng cho hay liên quan đến bí mật quốc gia và thông thường các dự án nhà ở thương mại được duyệt cho phép đầu tư đều tập trung tại khu vực quy hoạch dân cư hoặc thương mại dịch vụ, không thuộc khu vực quy hoạch an ninh, quốc phòng. Tức là theo Sở Xây dựng thì mọi dự án nhà ở thương mại được phê duyệt thì người nước ngoài được mua.
Đề nghị cơ quan xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài và “Án thế vì khai sinh” của Hiệp hội BĐS không được các sở, ngành đồng ý.
Về vấn đề “Án thế vì khai sinh”, Sở Xây dựng cho hay Sở Tư pháp cho rằng “chưa phù hợp”. Theo Sở Tư pháp, trước năm 1975, tòa án cấp tỉnh của chế độ cũ có ban hành các phán quyết gọi là “Án thế vì khai sai”. Bản chất là giấy khai sinh đăng ký quá hạn dựa vào lời tuyên thệ của đương sự trước tòa án về tên, nơi sinh, ngày tháng năm sinh của người đăng ký khai sinh quá hạn và tên cha mẹ với sự làm chứng của ít nhất hai người. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, tòa án không phải là cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch...
Từ 1-7-2015, Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Thế nhưng trên thực tế rất ít trường hợp mua được nhà do không có hướng dẫn cách thức thực hiện.