Với những đóng góp trong công tác bảo tồn, phục hồi di tích Huế, ngày 7-3, bà Andrea Teufel, Trưởng đại diện Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức, được UBND Thừa Thiên-Huế vinh danh, tặng danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh”. Đây cũng là thời điểm ghi dấu cột mốc 20 năm gắn bó với di sản Huế của người phụ nữ này.
Hồi sinh những bức tranh
Bà Andrea Teufel sinh ra và lớn lên ở TP Potsdam, CHLB Đức, nơi nổi tiếng với các công trình kiến trúc như Sanssouci - cung điện mùa hè của Friedrich Đại đế II, vua nước Phổ, tòa thị chính, bảo tàng…
Vào năm 2003, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tài trợ dự án bảo tồn, phục hồi tranh tường ở Khải Tường lâu, cung An Định. Bà Andrea Teufel, lúc bấy giờ là một thạc sĩ phục chế (trưởng đại diện Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức) cùng với cộng sự đã xung phong đến Huế để khôi phục lại những bức tranh có chất liệu và phong cách phương Tây đã bị bong tróc, hoen ố do tác động của thời gian.
“Huế là một TP tuyệt vời. Nơi đây là ví dụ điển hình về sự giao thoa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển bền vững. Việc này đòi hỏi phải có kiến thức, chiến lược rõ ràng, có năng lực và quyết tâm mới triển khai được. Huế có đầy đủ những yếu tố trên, do đó tôi rất vinh dự khi được góp phần vào lĩnh vực này tại địa phương” - bà Andrea Teufel nói.
Bắt đầu từ việc gửi những mẩu sơn dầu đầu tiên về phòng thí nghiệm ở Đức để phân tích và tiến hành phục hồi, trong suốt sáu năm làm việc không ngừng nghỉ, bà Andrea Teufel cùng các học viên của mình đã hồi sinh vẻ đẹp vốn có cho những bức bích họa trong cung An Định.
Đã có 70 thợ kép, thợ nề truyền thống được bà Andrea Teufel đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích ở Huế. Những người họa sĩ được bà đào tạo, sau này trưởng thành, họ sẽ trở lại góp phần vào công cuộc tái tạo di sản.
Ông NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn
di tích cố đô Huế
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết bà Andrea Teufel có nhiều đóng góp trong việc trùng tu bảo tồn di tích cố đô Huế trong suốt 20 năm qua.
“Cụ thể, mới đây dự án điện Kiến Trung vừa được trùng tu thì bà Andrea Teufel cũng đã góp phần trong việc phục dựng lại những bức tranh ở điện này.
Ngoài dự án ở hai điện Phụng Tiên, Kiến Trung, bà còn phục hồi tranh tường ở Khải Tường lâu, cung An Định; phục hồi cổng, bình phong Bửu Thành môn, lăng Tự Đức; phục hồi ngoại thất Tối Linh Từ và dự án bảo tồn, phục hồi trang trí nội thất Tả Vu, Đại nội Huế” - ông Trung cho hay.
Thay đổi nhận thức về bảo tồn di sản
Trong khi thực hiện các dự án, bà Andrea Teufel đã kết hợp đào tạo đội ngũ về trùng tu di sản Huế. Đồng thời, bà Andrea Teufel đã truyền tâm huyết, kiến thức về di sản cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong những buổi giáo dục di sản tại Huế.
“Các khóa học cho trẻ em, học sinh, sinh viên, đặc biệt là cho sinh viên nghệ thuật và kiến trúc thì chúng tôi giảng dạy rất sâu, giúp họ cảm nhận được cái nghệ thuật trong bảo tồn di sản để phục vụ du khách mà còn là để trùng tu, gìn giữ những gì của lịch sử, của cha ông để lại” - bà Andrea Teufel nói.
Bà Andrea Teufel cho rằng tất cả ý tưởng, thiết kế sẽ chỉ dừng lại ở lý thuyết nếu không có đội ngũ, những con người luôn làm việc hết sức nỗ lực để áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt là dưới điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt.
“Đóng góp lớn nhất của bà Andrea Teufel là thay đổi nhận thức trong bảo tồn di sản. Nhận thức ở đây là sự nâng niu, trân quý, gìn giữ và đi đến tận cùng vấn đề trong công cuộc bảo tồn di sản” - ông Trung nói và nhận định: “Trong suốt thời gian dài công tác ở Huế, bà Andrea Teufel xem Huế như là quê hương thứ hai. Còn về phía anh chị em công tác tại trung tâm, ngoài vai trò là đối tác của trung tâm, họ còn xem bà như người thân trong gia đình”.
Ngoài bà Andrea Teufel, dịp này Thừa Thiên-Huế cũng trao danh hiệu “Công dân danh dự” cho bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á - Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh, cảm ơn bà Kazuyo Watanabe vì những đóng góp trong công tác giúp đỡ, điều trị cho trẻ em bị bệnh ung thư và bà Andrea Teufel trong công tác bảo tồn, phục hồi di sản tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông Phương cho biết tâm huyết, cống hiến và chia sẻ là những điều mà mỗi người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn mong muốn thực hiện để góp phần vào sự phát triển của tỉnh, qua đó tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn.
Bằng việc chung tay xây dựng cộng đồng, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Thừa Thiên-Huế không chỉ mang lại những cải thiện về mặt vật chất, mà còn tạo ra tinh thần đoàn kết, hợp tác và sự hiểu biết đa văn hóa giữa các quốc gia. Điều này góp phần làm cho Thừa Thiên-Huế ngày càng phát triển và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.