Đằng Văn Hầu, tức Nguyễn Mạnh Côn, đã viết trong quyển Tiếu lâm tính quẩn chuyện đời cái nền “văng quá” lưu thông này.
“Ta bảo nhau can đảm nhận cái xấu của mình, rằng đồng bào ta ít kỷ luật quá, trên các nẻo đường đô thành Sài Gòn. Ta vẫn được chứng kiến hàng ngày, ba bốn chiếc xe đạp (máy) đi thong dong ngang mặt nhau, với các tiểu chủ của chúng ta còn thảo luận hăng hái về giáo sư, về bạn gái, có khi về cả sự kém trật tự của các loại xe đi ngoài đường, lẽ cố nhiên trừ xe đạp.
"Ta cũng lại thấy xe gắn máy rú ga, vượt xe hơi về bên trái một cách rất hợp pháp, nhưng chỉ tiếc xe gắn máy lượt qua vạch giữa đường mất hết vài ba thước. Ta cũng lại thấy bác tài xe hơi nhấp nhổm, mới nhìn đèn vàng bật về phía bộ hành đã vội sang số, dậm chân ga, chen vào giữa những đồng bào đi chưa hết con đường ngang trước cửa chợ Bến Thành.
"Vậy nên kết luận rằng đồng bào thiếu kỷ luật. Vì thiếu kỷ luật nên vào giờ tan sở biết bao nhiêu con đường bị kẹt hàng nửa giờ, một giờ. Mấy bác tài, chẩy mồ hôi trên đệm ni lông, thả sức nguyền rủa…”.
Giao thông Sài Gòn xưa không kém tấp nập. Ảnh: Internet
“Lời hứa tịch thu bằng lái, bắt giam xe hình như không được thi hành với tinh thần kỷ luật đầy đủ. Xe hơi phun khói đen, xích lô máy rú ga điếc tai, xe Honda len lỏi giữa đoàn xe đang ngon trớn, xe xích lô khơi khơi quẹo chữ U, còn là những cảnh tượng xảy ra luôn luôn trước mắt các cảnh sát viên ngại phiền phức không muốn thổi còi…” (Đồng Nai xuất bản, 1973).
Lái xe kiểu như vậy trên đường chật chội thì số lượng tai nạn trong thập niên 60 cũng không hề nhỏ. Theo kiến trúc sư đô thị gia Lê Văn Lắm cho biết, trên các đường phố lưu hành đủ các loại xe: xe có động cơ, xe ngựa, xe bò, xe tay ga… nên sự lưu thông rất phức tạp vì các loại xe có tốc độ không đều nhau, xe chạy chậm thường lấn qua đường xe có động cơ chạy nhanh hơn nên dễ bị tai nạn.
“Theo thống kê năm 1964 tại Sài Gòn, mỗi tháng có 1.500 vụ đụng xe, mỗi năm có 18.000 vụ thương tích và thiệt mạng lối 5.000 người…” (tạp chí Thời Nay năm 1965).
Ngày xưa dân số ít, lưu lượng xe cộ tham gia giao thông chắc chắn là không nhiều bằng bây giờ nhưng thiên hạ đã cùng nhau chen lấn, đi ẩu đi tả, không thèm nhường nhịn ai. Đường rộng mất trật tự theo đường rộng, đường hẹp thì vi phạm luật kiểu đường hẹp. Ra đường chỉ có mình ta, đường ta ta cứ đi, bất kể xe cộ nào bên cạnh và trước mặt.
Không lẽ cái sự đi ẩu, không tôn trọng luật lưu thông là cái “di truyền của lịch sử” rất ư là không được lịch sự và văn hóa của thành phố này sao ta?