Người sưu tầm sử liệu nghiệp dư

Nhà ông Trần Đức Hoàng nằm trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi. Trên bức tường cao phía gác lở có treo sơ đồ về trận đánh Ba Gia, Đình Cương. Còn phía phòng trong chất đầy những tập tư liệu là vở học sinh, sổ tay, bút, thước, sơ đồ vẽ trên giấy rô-ky. Ông bộc bạch: Mình có phải là nhà nghiên cứu lịch sử đâu. Chỉ cố gắng tìm hiểu về lịch sử rồi chép lại để cung cấp cho những nhà viết sử địa phương, các đơn vị quân đội với hy vọng họ viết đúng hơn về lịch sử, về những chiến công và cả những mất mát hy sinh của đồng đội mà thôi”.

Làm sử liệu kiểu… lính

Ông Hoàng kể sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, ông được giữ chức quyền huyện đội trưởng Huyện đội Tư Nghĩa, rồi sau làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 887, Quân khu 5. “Chuyện đánh đấm gan lì có thừa nhưng mình không phải là anh nhiều chữ nghĩa nên ngại. Bởi hồi mới vào quân đội, mình chưa biết chữ, rồi học chắp vá, mãi đến khi giã từ quân đội cũng chỉ hoàn thành chương trình lớp 9 mà thôi” - ông Hoàng bộc bạch.

Bây giờ, anh em đồng đội cũ của ông Hoàng đã có tuổi cả rồi. Mỗi khi gặp nhau, câu chuyện lại xoay quanh về những trận đánh của quân chủ lực Huyện đội Tư Nghĩa, của Tiểu đoàn 83 anh hùng, từ vùng đông và tây huyện Tư Nghĩa đến trận đánh Hành Thịnh, trận núi Đình Cương… Ôn lại chuyện cũ, ai cũng xuýt xoa: Làm gì để kỷ niệm một thời áo lính, làm gì để những thế hệ mặc áo lính tiếp nối hiểu hơn về thế hệ mình?

Cuối cùng họ bàn nhau hay là cùng làm sử liệu kiểu lính kể chuyện đơn vị mình, bằng cách viết ra giấy rồi chuyển cho một người tổng hợp lại làm tập tư liệu chuyền tay nhau đọc. Sau đó, anh em sẽ gửi cho những người có trách nhiệm của đơn vị cũ để họ có thể dùng nó làm tư liệu khi viết lịch sử địa phương, đơn vị.

Nhưng rồi chuyện áo cơm, bệnh tật và cả bệnh lười đã khiến ý định tốt đẹp ấy bất thành.

Người sưu tầm sử liệu nghiệp dư ảnh 1

Cựu binh Trần Đức Hoàng trong một lần đi sưu tầm tư liệu chiến tranh (ảnh trái). Ông Hoàng cặm cụi bên những tư liệu, sơ đồ về các trận đánh. Ảnh: VÕ QUÝ

Thế rồi cách đây chừng 10 năm, ông về xã Nghĩa Phương thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lài. Gặp ông, mẹ Lài mừng mừng, tủi tủi rồi nói: “Mày dẫn ba đứa con của mẹ đi theo cách mạng, rồi mày bỏ nó ở đâu. Sao chờ mãi mà nó không về”.

Ba người con của mẹ đã anh dũng hy sinh tất cả.

Nghe mẹ Lài hỏi khó, ông Hoàng nghẹn ngào trả lời: “Mấy đứa không về thì con về với mẹ đây”.

Câu chuyện của mẹ Lài thêm một lần nữa làm ông suy nghĩ rồi đi đến quyết định: Mình ít chữ nghĩa nhưng cũng phải cố gắng chép lại, chép để trả nợ anh em…

Thế là từ đó ông Hoàng bắt đầu cuộc đời đi tìm tư liệu, vẽ bản đồ về chiến tranh. Ông nhớ lại cách vẽ sa bàn của những trận đánh, lục tìm những bản đồ quân sự của Mỹ ở Quảng Ngãi để so sánh rồi tìm gặp nhiều chỉ huy những trận đánh để hỏi chuyện, ghi chép lại trong những cuốn vở học trò.

Những trang sử giản dị, hào hùng

Năm 2002, sau thời gian dài cất công tìm hiểu và ghi chép cẩn thận, tập tư liệu, sơ đồ về quân dân xã Nghĩa Thắng giai đoạn 1954-1975 dày 152 trang chép tay cũng đã hoàn thành. Ông Hoàng lại tranh thủ gặp ông Vũ Hành, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa, ông Nguyễn Thành Toại, nguyên Bí thư xã, để nhờ hiệu chỉnh, bổ sung rồi sau đó ông chép lại tặng cho địa phương. Cầm bản chép tay về lịch sử quê nhà nhiều người trong Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Thắng xúc động thật sự. Bởi họ hiểu tập tư liệu ấy không chỉ là mồ hôi, công sức và tấm lòng của ông Hoàng với đồng đội, quê nhà mà nó còn là nguồn sử liệu quý giá tái hiện lại những trận đánh anh hùng, bất khuất của quân và dân Nghĩa Thắng.

Được đà, ông bắt tay vào làm tư liệu về Huyện đội Tư Nghĩa, nơi ông từng gắn bó từ năm 1964 cho đến hết cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông lại đi về hết sáu xã khu tây anh hùng, rồi lại về sáu xã khu đông huyện Tư Nghĩa, gặp lại những lãnh đạo đội công tác trong chiến tranh, những bí thư Đảng ủy xã và huyện Tư Nghĩa để hỏi chuyện, ghi chép.

Người sưu tầm sử liệu nghiệp dư ảnh 2

Những tập tư liệu về chiến tranh thấm đẫm mồ hôi, công sức và tấm lòng của người cựu binh già nặng nợ với anh em, đồng đội. Ảnh: VÕ QUÝ

Ông kể: “Chuyện sưu tầm, ghi chép, vẽ sơ đồ cũng chẳng dễ dàng gì. Bởi sau bao năm địa hình, cảnh quan trước đây đa phần giờ đã thay đổi, có người nắm trọng trách ngày xưa giờ không còn nữa, hoặc tư liệu của từng người kể lại vênh nhau. Đó là chưa nói sau chiến tranh, đồng đội xưa nhiều người giờ đã di chuyển nơi sinh sống nên việc liên lạc với họ khá khó khăn”.

Thế nhưng cuối cùng tập tư liệu chép tay của ông cũng hoàn thành. Ông chuyển cho đứa con gái của mình đang làm ở Thông tấn xã VN Phân xã Vĩnh Long sửa chữa câu chữ, đánh máy vi tính trên khổ giấy A4 dày trên 400 trang rồi gửi về cho ông. Ông đem phôtô thành nhiều tập chuyển cho những người từng cung cấp tư liệu để họ bổ sung. Đến khi hiệu đính xong, ông lại chuyển cho con gái sửa chữa lần nữa cho chuẩn xác.

Lúc này, huyện Tư Nghĩa tổ chức biên soạn cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang huyện giai đoạn 1954-1975 nên ban soạn thảo lập tức mời ông vào cùng làm. Thượng tá Lê Đình Khánh, Huyện đội trưởng Huyện đội Tư Nghĩa, nói: “Có tập tư liệu sống của anh Hoàng nên việc soạn thảo thuận lợi hơn nhiều”. Rồi cũng từ tập sử liệu của huyện đội, ông Hoàng lại đem xé lẻ, bổ sung tư liệu để gửi tặng cho Đảng ủy các xã khu đông và các xã khu tây của huyện Tư Nghĩa.

Nặng nợ với đồng đội

Biết ông Hoàng làm được việc tổng hợp tư liệu nên anh em trong Đại đội 75 của Huyện đội Tư Nghĩa (từng được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang vào tháng 12-1969) phấn khởi lắm. Họ nhờ ông tập hợp tư liệu về đơn vị mình. Thế là ông lại lao tâm khổ tứ bắt tay vào việc. Sau tập tư liệu về Đại đội 75, ông lại tham gia tập hợp tư liệu về Tiểu đoàn 83 Bộ đội chủ lực tỉnh Quảng Ngãi từng vang danh với chiến thắng Hành Thịnh, Đình Cương…

Hơn 10 năm miệt mài, ông Hoàng có trong tay cả ngàn trang tư liệu về những đơn vị của Huyện đội Tư Nghĩa, về những trận đánh oai hùng của nhiều đơn vị quân chủ lực ở Quảng Ngãi thời chống Mỹ. Nội chuyện in ấn tư liệu để gửi tặng các đơn vị liên quan cũng ngốn hết cả tiền lương hưu của ông. Đồng đội e ngại bảo ông lớn tuổi rồi, lại là thương binh nên nghỉ ngơi cho khỏe. Ông cười: “Thì còn khỏe nên mới cố gắng đi, mai mốt bệnh tật quật ngã sao đi được”. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Hương, vốn là đồng đội trong chiến tranh, thường ngày vẫn bán sinh tố trên đường Phạm Văn Đồng, TP Quảng Ngãi thì bảo: “Thấy ổng đi có hôm về mệt nằm dài. Dường như ổng mắc nợ anh em đồng đội nên hôm nào không đi được là ổng bứt rứt lắm”.

Năm 2009, sau khi nhận tập tư liệu về trận đánh Ba Gia và Hành Thịnh, Thượng tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu 5, viết thư cám ơn ông Hoàng. Bức thư có đoạn: “Chúng tôi rất cảm động tâm huyết của đồng chí về việc lập hồ sơ, sơ đồ về trận đánh Ba Gia (1965), Hành Thịnh (1966). Tin rằng, đó là tập tài liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau”.

VÕ QUÝ CẦU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm