Người tâm thần gây thương tích cho người khác có bị tội?

(PLO)-  Theo luật người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dì tôi có một người con tên T. bị bệnh tâm thần nhưng lại không đưa đi chữa trị. Mới đây, T. đã đánh một người trong xóm, bị thương tích nhẹ và đang nằm việc điều trị. Cho tôi hỏi, nếu người bệnh tâm thần gây thương tích cho người khác hoặc gây ra án mạng thì có phải bồi thường hay chịu trách nhiệm gì không?
Bạn đọc Nguyễn Cẩm Tú (TP.HCM)

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai,trả lời:

Thỉnh thoảng, chúng tôi lại đọc thấy thông tin về người tâm thần gây án. Vì vậy, gia đình có người mắc bệnh tâm thần nhẹ chung sống trong cộng đồng phải quan tâm, giám sát họ, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ (uống thuốc đúng giờ, đúng liều...)

Theo khoản 1, Điều 22 BLDS 2015, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người tâm thần, khoản 3, Điều 586 BLDS 2015 quy định: Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Như vậy, theo các quy định trên, khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp người giám hộ không có lỗi).

Hai bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần theo quy định tại Khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (theo khoản 1, Điều 585).

Về trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (căn cứ điều 21 BLHS).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm