Vải đỏ đường trong những ngày từ cuối tháng 5 đến nay ở Lục Ngạn, Bắc Giang. |
Vải chín đỏ đồi. Vải tràn ngập khắp các thôn xóm. Vải tưng bừng trong quãng đường dài vài chục km từ thị trấn Đồi Ngô kéo dài qua thị trấn Chũ lên đến vùng Biển Động, Kim Thành…
Người người, nhà nhà tíu tít, bận rộn thu hoạch, thu gom, vận chuyển vải ra các điểm thu mua. Theo cách nói của người dân, “vải ám ảnh trong cả giấc ngủ”.
Năm nay, đất vải Lục Ngạn được mùa lớn. Sản lượng vải của cả huyện ước tính sẽ vượt con số 100.000 tấn, cao hơn năm ngoái từ một đến hai chục ngàn tấn.
Hàng trăm điểm thu mua, cân vải dọc tuyến đường quốc lộ 31 từ thị trấn Chũ trải lên khắp các xã giáp với vùng Sơn Động.
Lượng xe tải từ các tỉnh thành trong khắp cả nước tập trung đổ dồn về Lục Ngạn khiến đất vải tấp nập, đông đúc, một ngày tắc đường đến 3, 4 lần vào các giờ cao điểm.
Trong số đó, có rất nhiều tư thương Trung Quốc vẫn có mặt ở Lục Ngạn thu mua vải từ đầu vụ đến nay.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng (UBND huyện Lục Ngạn) cho biết: theo thống kê, tính đến thời điểm ngày 20/6, tại Lục Ngạn đang có 268 tư thương người Trung Quốc sang Bắc Giang cân vải với 85 điểm thu mua của người Trung Quốc.
“Họ (tư thương Trung Quốc) sang Lục Ngạn thu mua. Họ thuê người Việt đứng ra cân vải, trả tiền cho mình, gom đủ hàng, họ lại thuê người đóng vải vào thùng xốp để chở về nước ngay trong đêm qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.” – ông Hà nói.
Năm 2013, số thương lái Trung Quốc sang Lục Ngạn mua vải là 306 người. Năm nay, 2014, ít hơn vài chục người.
"Vải thiều Lục Ngạn vẫn là loại hàng ưa chuộng của thị trường Trung Quốc. Họ không thể bỏ lỡ một mùa vải mà sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho người đi buôn" – thông tin của trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lục Ngạn.
“Giá cả theo thị trường, thương lái Trung Quốc thu mua vải thường cao hơn so với tư thương người Việt, nhưng họ lại chọn lọc rất kỹ, chỉ vải đẹp, tươi và ngon mới trả giá cao. Còn vải xấu hơn, họ không mua nên tư thương người Việt lại tiếp tục ghìm giá”.
Về mặt quản lý nhà nước, ông Hà nói: các cơ quan chức năng yêu cầu những thương lái Trung Quốc đăng ký khai báo tạm vắng tạm trú trong thời gian ở Lục Ngạn cân hàng.
Lực lượng liên ngành gồm các cơ quan: Công an huyện, CSGT, Quản lý thị trường, cán bộ phòng Kinh tế Hạ tầng và các ban ngành của Lục Ngạn… thường xuyên chốt giữ tại các điểm thu mua, tập trung số lượng người lớn để đảm bảo công tác an ninh trật tự.
Mùa vải năm 2014 của Lục Ngạn bắt đầu từ cuối tháng 5 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 6 âm lịch. Thời điểm đầu vụ, giá vải giao động từ 15 – 33.000 đồng/kg đối với vải lai Thanh Hà; trung bình 13.000 đồng/kg đối với vải thiều Lục Ngạn.
“So với năm ngoái, giá vải năm nay thấp hơn từ 5 – 6.000 đồng/kg” – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng cho biết.
Theo khảo sát của PV, tại nhiều điểm cân, người dân chỉ bán được giá 5.000đ/kg.
Anh Lam (một người dân Lục Ngạn) chở vải của nhà đem bán nói với VietNamNet: gia đình anh có 500 gốc vải, mỗi ngày anh chở bán được 3 – 5 chuyến, mỗi chuyến trên dưới 1 tạ vải.
Từ đầu mua vải đến nay, gia đình anh đã bán được gần 2 tấn, thu được gần 20 triệu đồng.
“Được mùa nhưng lại mất giá. Chúng tôi không biết làm thế nào. Vải chín đỏ đồi thì buộc phải thuê người hái bán. Thời điểm giữa vụ, giá vải rớt giá nhiều nhất”.
Anh Lam cho biết, gia đình cũng phân loại chọn vải đẹp để mang đến cân bán cho các tư thương Trung Quốc để lấy giá cao hơn.
“Họ tập trung cân ở Kép, Kim… nên quãng đường vận chuyển xa thêm vài chục cây số. Nhưng, nhiều thương lái người Trung Quốc họ sử dụng nhiều tiểu xảo, có những lúc mình đã đặt sọt vải lên bàn cân, họ lại nói không mua nên người dân cũng rất ức chế” – anh Lam nói.
Được biết, năm 2013, hơn 300 thương lái Trung Quốc sang thu mua vải ở Lục Ngạn đã thu mua hơn 44.000 tấn vải, chiếm gần 50% tổng sản lượng vải của toàn huyện.
Theo Kiên Trung (Vietnamnet)