Người Việt chế tạo tàu ngầm

Ông mong muốn đem những gì học được về phát triển ngành công nghiệp chế tạo tàu ngầm cho Việt Nam, giúp nước nhà có thể làm chủ được biển Đông, bảo vệ đất nước.

Trao đổi với PV, PGS-TS Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP.HCM, nguyên Viện trưởng Học viện Hải quân, cho biết hiện hội cùng với Khoa Đóng tàu Đại học GTVT đã báo cáo với Sở KH-CN TP.HCM để xây dựng một đề án nghiên cứu khoa học nâng cấp lên dạng tàu ngầm mini có thể ngồi được 3 người, ứng dụng trong du lịch, phục vụ chuyển hàng ra đảo, nghiên cứu đáy biển... Tuy nhiên, muốn đưa vào phục vụ mục đích quân sự còn phải mất một chặng đường dài...

 Made in Vietnam

Hãng Comex chuyên sản xuất tàu ngầm phục vụ dân sự như lặn biển, cho ngành dầu khí và sản xuất một số thiết bị cho tàu ngầm quân sự. Vì vậy, ông Phan Bội Trân - hậu duệ của cụ Phan Bội Châu - luôn có suy nghĩ mình phải học hỏi kỹ thuật của họ, đặc biệt là về mặt khí tài quân sự.

Theo ông, thế mạnh duy nhất của mình là bộ óc. Mình không có tiền để mua nhiều tàu ngầm, máy bay, nhưng có thể nghiên cứu sản xuất những chiếc tàu ngầm, máy bay không quá đắt tiền để phục vụ Tổ quốc.

Điều may mắn là khi ở Công ty Comex mọi người được làm ở nhiều vị trí, thường xuyên luân chuyển công việc nên một người gần như có khả năng làm được nhiều việc. Chính vì vậy, ông Trân đã học hỏi được rất nhiều, trong đó có cả nguyên tắc làm tàu ngầm mà theo ông là khá đơn giản.

Dẫn tôi thăm xưởng sản xuất tàu ngầm của mình, ông Trân giới thiệu đứa con cưng vừa mới chào đời, đang được bảo quản cẩn thận. Chiếc tàu đen ngòm dài khoảng 3,2 m, bề ngang 1 m, cao 1,5 m, nặng gần 1 tấn, chở được 1 người.

Toàn bộ vỏ tàu được chế tạo bằng composite. Do tàu chạy bằng bình ắc quy nên chỉ “bơi” được hơn 4 tiếng và lặn sâu khoảng 70 m. Tàu có thể lặn được, nổi được, chạy nhanh, chậm hoặc lùi. Tàu cũng được trang bị ống kính tiềm vọng, hệ thống bánh lái trước, bánh lái sau, bánh lái nằm ngang...

Ngoài ra tàu còn có máy khí nén sử dụng động cơ một chiều cung cấp khí nén cho người lái... Nếu muốn lặn sâu, đi xa hơn có thể lắp động cơ diesel hay gắn thêm bình nhiên liệu ở bên ngoài vỏ tàu.

Mắt sáng bừng lên vẻ kiêu hãnh, ông Trân khoe, do vỏ tàu được làm bằng composite nên nhẹ hơn, di chuyển nhanh hơn, đặc biệt là không phản xạ tia từ điện, như thế radar sẽ không phát hiện ra. Chính vì toàn bộ linh kiện là hàng “tự tạo” made in Vietnam nên giá thành mỗi chiếc chỉ hơn 15.000 USD.

Khi nghe ông Trân nói về kế hoạch chế tạo tàu ngầm, ngay cả người thân trong gia đình, một số nhà khoa học trong nước cũng không tin tưởng. May mắn là trong quá trình làm và thử nghiệm đã được sự giúp đỡ rất lớn từ Hội Biển TP.HCM. “Điều này cũng dễ hiểu, vì ngay cả các tổ chức khoa học còn không làm được huống gì một cá nhân đã 61 tuổi như tôi. Để chứng minh có thể làm được tàu ngầm thì nói suông là không đủ nên tôi phải làm ra được sản phẩm hoạt động tốt.

Thực tế tôi đã chứng minh được là người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được tàu ngầm. Điều còn lại là làm sao phổ biến trong giới hạn”, ông Trân bộc bạch.


Lần đầu tiên một cá nhân có thể sản xuất được tàu ngầm - Ảnh: Đình Sơn

Giấc mơ hạm đội tàu ngầm mini

Để hoàn thành chiếc tàu ngầm này ông Trân đã mất gần một năm. Tuy nhiên, nếu sản xuất hàng loạt theo ông chỉ mất khoảng một tháng là xong một chiếc. Tùy theo nhu cầu mà có thể sản xuất các loại tàu ngầm cho các mục đích khác nhau.

Tàu ngầm bản thân của nó không phải là quân sự, nó chỉ là phương tiện dân sự. Trên thế giới họ bán tàu ngầm cho dân sự rất nhiều để làm du lịch, tham quan dưới đáy biển, phục vụ ngành dầu khí. Nhưng khi gắn lên tàu ngầm ống phóng ngư lôi, tên lửa thì nó thành khí tài quân sự.

Một chiếc tàu ngầm khoảng 15.000 USD, nếu làm 3.000 chiếc khoảng 45 triệu USD, tương đương chiếc tàu ngầm lớp Kilo Project 636. Chỉ cần một số tiền không nhiều trong ngân sách quốc phòng cũng có khả năng chế tạo được tổ hợp khí tài, về mặt lý thuyết có thể hình thành một hạm đội tàu ngầm mini, đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ bờ biển.

Ông Phan Bội Trân tên thật là Phan Bội An. Cụ của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu và làm quan trong triều Nguyễn. Cha ông Trân từng tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 và bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1974, khi 20 tuổi, ông Trân đã sang Pháp du học ngành hóa học của Trường đại học Marseille, sau đó theo chuyên ngành về composite và nhựa kỹ thuật. Đến năm 1978, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trân ở lại Pháp làm việc cho các hãng chuyên về làm tàu ngầm và vỏ trực thăng. Năm 1988, nhận lời mời của Đại sứ quán Libya tại Pháp, ông Trân sang nước này hỗ trợ cho Bộ Quốc phòng về bản vẽ, kỹ thuật đúc vỏ tàu ngầm. Năm 2006 ông về Việt Nam lập công ty chuyên thiết kế máy móc, vỏ tàu, xe đạp điện, đồ chơi trẻ em...

Theo Đình Sơn (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới