Dịp lễ 30-4 và 1-5 rơi vào hai ngày đầu tuần nên người dân kỳ nghỉ lễ được tăng lên bốn ngày. Đây là cơ hội để nhiều người có thể đi du lịch cùng gia đình. Năm nay nhiều công ty đã khóa sổ tour từ sớm và ngành du lịch tiếp tục chứng kiến cảnh người dân đổ xô đi nghỉ lễ nước ngoài.
Ra nước ngoài mua đủ thứ
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông marketing Công ty Du lịch TST, cho biết dù sau Tết thị trường có chùng lại sau kỳ nghỉ khá dài trong dịp Tết nhưng vào đầu tháng 3 lượng khách tăng đột biến ở hàng loạt thị trường. Đặc biệt là tour du lịch nước ngoài.
Dịp này tour nước ngoài “hot” nhất là Bhutan khởi hành ngày 28-4, nhờ có đường bay thẳng của TST với mức giá trọn gói bay charter chỉ còn 46.880.000 đồng. Với đường bay thẳng từ TP.HCM đi Bhutan, du khách được đi trọn vẹn hết cả Bhutan với những điểm đến độc đáo và hấp dẫn nhất.
“Dịp lễ này du lịch nước ngoài chiếm ưu thế hơn trong nước, có thị trường chiếm đến 45%. Du lịch trong nước chỉ chiếm 15%. Lượng khách đăng ký tour du lịch lễ năm nay tăng 25% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do mức độ hấp dẫn giá cả. Bên cạnh đó, du khách cũng biết thông tin từ ngày 1-4 tăng phí giá vé cho trẻ em. Mặt khác, ở một số điểm đến vào dịp lễ giá dịch vụ tăng. Điều này khiến cho khách lẻ tự đi lẫn đăng ký tour muốn hướng đến du lịch nước ngoài hơn” - ông Mẫn nói.
Theo đại diện Công ty Du lịch Bến Thành, năm nay kỳ nghỉ lễ dài ngày nên khách mua tour dài ngày nhiều hơn trong nước. Trong đó các tour ngoài nước chọn mua như Thái Lan, Malaysia, Singapore… nhờ giá rẻ. Ví dụ chỉ khoảng 7 triệu đồng là du khách có thể đi nước ngoài trong khi cũng tương đương mức giá này thì trong nước khách có thể đi Côn Đảo.
Cùng nhận định trên, đại diện Công ty Du lịch Bến Thành cho biết đối với tour trong nước, năm nào vào dịp lễ giá các dịch vụ đều tăng khoảng 15% nhưng các công ty không điều chỉnh tăng tương ứng. Năm nay lượng khách đăng ký du lịch tour nước ngoài tăng gấp ba lần so với cùng kỳ.
Nhiều người Việt tham gia lễ hội té nước tại Thái Lan. Ảnh: TU
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc phòng Tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, cho biết trong khoảng ba năm gần đây, lượng khách đi tour nước ngoài mỗi năm tăng trung bình khoảng 30%-35% hằng năm.
Đến Thái Lan khách hàng thường thích mua sắm quần áo, giày dép, túi xách hàng drugstore (hàng bình dân). Singapore, Malaysia thì du khách chọn quần áo, sôcôla, dầu gió,… Đến Hàn Quốc du khách sẽ mua sâm, dầu xoa bóp, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thương hiệu Hàn,…
Qua Nhật Bản các mặt hàng sữa, mỹ phẩm Nhật nội địa, quần áo (Uniqlo,…), thực phẩm chức năng, hàng điện máy nội địa… Đi châu Âu, Mỹ du khách chọn mua mỹ phẩm hàng hiệu, túi xách, giày dép, thực phẩm chức năng, hàng công nghệ,…
Du lịch trong nước được “làm mới”
Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, năm nay kỳ nghĩ lễ kéo dài bốn ngày nên các tour 3-5 ngày được khá nhiều du khách lựa chọn. Đối với các tour trong nước như Cần Thơ - Hà Tiên - Phú Quốc được công ty làm mới bằng hành trình vừa kết hợp xe - tàu cao tốc và máy bay để du khách trải nghiệm phong cảnh tuyệt đẹp của từng điểm đến.
Đặc biệt dịch vụ đến Phú Quốc ngắm cảnh trên cáp treo vượt biển dài nhất thế giới được nhiều khách quan tâm. Theo đó, từ cáp treo Hòn Thơm - cáp treo ba dây vượt biển dài nhất thế giới 7.899.9 m được Guinness xác nhận kỷ lục du khách sẽ tận hưởng góc nhìn toàn cảnh đảo ngọc đầy quyến rũ.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông marketing Công ty Du lịch TST, cho biết đối với du lịch trong nước, du khách vẫn chọn các tour truyền thống trong nước như Hà Nội - Hạ Long - Sa Pa, Đà Nẵng - Hội An - Huế… Do nhu cầu của du khách với khoảng thời gian 3-4 ngày và cũng căn cứ vào hoạt động của địa phương thời điểm đó, công ty mới đưa thêm chương trình mới vào tour.
Chẳng hạn đối với tuyến miền Trung dịp này đến Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa, đến Huế thì tham quan thêm công trình chiếu sáng mỹ thuật Kỳ Đài...
Đến Thái Lan khách hàng thường thích tham gia lễ hội té nước; mua sắm quần áo, giày dép, túi xách hàng drugstore (hàng bình dân)...
Người Việt du lịch nước ngoài chi “mạnh tay” hơn Trong một báo cáo bức tranh toàn cảnh về du lịch toàn cầu trong năm 2018 Visa công bố mới đây cho thấy: So với các quốc gia khác, người Việt có hành trình du lịch ngắn nhất trên thế giới với 74% chuyến đi kéo dài trong bốn đêm hoặc ít hơn. Báo cáo cũng chỉ ra một loạt xu hướng tích cực của du khách Việt Nam với những điểm nổi bật nhất là các chuyến đi dần ngắn hơn: Trung bình chuyến du lịch gần nhất của du khách Việt chỉ kéo dài bốn đêm, ngắn hơn rất nhiều so với con số trung bình ở châu Á-Thái Bình Dương là bảy đêm. Nhiều chuyến đi nước ngoài hơn: Trung bình mỗi du khách Việt sẽ đi nước ngoài năm lần trong hai năm tới. Con số này đã tăng lên so với hai năm trở lại đây (3,5 chuyến). Du khách có ý định chi tiêu nhiều hơn: Mỗi du khách Việt dự kiến sẽ chi khoảng 1.100 USD trong chuyến đi tiếp theo. Trung bình trong chuyến đi gần nhất, họ chỉ chi 880 USD. Sử dụng thẻ thường xuyên hơn: 74% du khách sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ cho những chi tiêu trước chuyến đi; và khi thực hiện giao dịch tại điểm đến, nhiều người sử dụng thẻ để thanh toán nhưng phần lớn du khách vẫn thích mang theo tiền mặt dưới dạng ngoại tệ hơn. Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào, chia sẻ khi nền kinh tế Việt Nam phát triển với sự xuất hiện ngày càng nhiều của tầng lớp trung lưu và khá giả, sẽ có nhiều người hứng thú với du lịch quốc tế hơn. Điều này đã được chứng minh rõ nét trong kết quả khảo sát là người dân đi du lịch nhiều hơn, chi tiêu cho du lịch “mạnh tay” hơn. |