Những câu chuyện này xin được gửi tới độc giả báo Pháp Luật TP.HCM trước Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ 21-2.
Anh Đoàn Văn Đức (hiện đang sống tại Rancho Murieta, California, Mỹ) cho biết con gái lớn của anh hiện năm tuổi. Cô bé có thể “hóng chuyện” khi người lớn trong nhà nói tiếng Việt với nhau. Khi trò chuyện với con, anh cũng luôn sử dụng tiếng Việt, cô bé nghe hiểu khá tốt nhưng khi trả lời chỉ dùng... tiếng Anh. Trước đây, khi chưa đến tuổi đi học, cô bé vẫn nói chuyện bằng tiếng Việt với cha mẹ. Nhưng từ khi đi học, cô bé chỉ nói tiếng Anh.
Để con không quên tiếng Việt
Vợ anh Đức cũng là một Việt kiều. Cả hai vợ chồng đều có ý thức vun đắp vốn tiếng Việt và văn hóa Việt cho con. Điều này tưởng chừng dễ dàng nhưng thực tế có khá nhiều vấn đề mà cha mẹ cần quan sát, điều chỉnh để con có thể tiếp nhận cả hai nền văn hóa. Anh Đức nói: “Nhiều gia đình bạn tôi sinh sống ở khu có nhiều người Việt thì con em họ dễ nói tiếng Việt. Ra khỏi nhà thì cũng gặp những người hàng xóm trò chuyện bằng tiếng Việt, mua bán cũng bằng tiếng Việt. Còn khu vực tôi ở rất ít gia đình người Việt, cha mẹ mà không dành đủ thời gian nói tiếng Việt với con thì trẻ con sẽ chỉ nói tiếng Mỹ”.
Dù đã dành nhiều thời gian rèn tiếng Việt cho con nhưng con gái anh Đức vẫn ngại nói tiếng Việt. Anh có kế hoạch cho con đi học thêm tiếng Việt ở nhà thờ vào cuối tuần. Một số nhà thờ có những tình nguyện viên dạy tiếng Việt, là những thanh niên được sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng họ yêu tiếng mẹ đẻ và thích làm những công việc phi lợi nhuận vì cộng đồng. Anh Đức nói: “Những bạn trẻ đó có cách dạy tiếng Việt rất hay khiến bọn trẻ rất thích học”.
Anh Đức cũng có một kinh nghiệm thúc đẩy con gái nói tiếng Việt là đón ông nội qua thăm gia đình. Anh nói với con gái: “Ông nội không biết nói tiếng Anh. Con ráng nói tiếng Việt với ông nhé!”. Cô bé rất yêu quý ông nội, thích chơi đùa với ông nên rất cố gắng nói tiếng Việt bập bõm với ông.
Gia đình anh Đoàn Văn Đức ở Mỹ. Vợ chồng anh luôn cố gắng trò chuyện với con bằng tiếng Việt. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cội nguồn văn hóa Việt
Anh Đào Nhật Quang (Hà Nội) rất yêu quý và thân thiết với cháu gái mang hai dòng máu Việt, Đức. Em trai anh kết hôn với cô gái người Đức và con gái của họ năm nay năm tuổi. Mỗi năm cô bé được về quê nội một lần trong thời gian gần một tháng. Cô bé có thể nói tiếng Việt bập bõm với người thân ở Việt Nam, anh Quang là người dành nhiều thời gian để cùng trò chuyện bằng tiếng Việt với cô bé. Anh nói: “Con bé có sự kết nối khá tốt với gia đình bên nội. Gia đình tôi ai cũng học một chút tiếng Đức để có thể trò chuyện với con bé, giải thích những từ tiếng Việt”.
Mẹ bé gái dù không nói được tiếng Việt nhưng đã mua rất nhiều sách, tranh ảnh tiếng Việt, khuyến khích con yêu thích việc học tiếng Việt. Sự kết nối, gắn bó với quê nội đã cho cô bé nhiều ký ức đẹp và cô bé sống rất tình cảm, gắn bó với gia đình bên nội.
Còn chị Ngô Như Quỳnh (đang sống ở Busan, Hàn Quốc) chia sẻ việc dạy con gái nhỏ học tiếng Việt: “Tôi ở nhà luôn chú ý dạy tiếng Việt cho con. Chồng tôi là người Hàn Quốc, anh cũng biết nói tiếng Việt chút chút. Bé khi nghe cha mẹ nói chuyện tiếng Việt rất thích “hóng chuyện” nhưng ít chịu nói”.
Chị có kế hoạch thường xuyên đưa con về thăm quê ngoại mỗi năm với thời gian đủ dài để con có những ký ức đẹp với người thân, họ hàng và để con tương tác bằng tiếng Việt. Những ngày lễ, Tết, chị đều chuẩn bị trang phục, thức ăn truyền thống của cả hai đất nước để con được lớn lên trong sự nuôi dưỡng của cả hai nền văn hóa.
Phương Thảo - Ngọc Lễ và lòng yêu tiếng Việt Những ngày đầu năm mới, cặp đôi Phương Thảo - Ngọc Lễ đã ra mắt MV Tôi yêu tiếng Việt tôi như một lời chào, lời chúc mừng năm mới đến khán giả yêu nhạc sau một thời gian dài vắng bóng.Ngay sau khi phát hành, MV Tôi yêu tiếng Việt tôi đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ khán giả. Nhạc sĩ Ngọc Lễ cho biết: “Từ khi sang Mỹ sống, vợ chồng tôi mới càng cảm thấy thương tiếng Việt, lúc nào cũng lo con mình sẽ quên tiếng Việt. Nhiều cha mẹ ở Mỹ rất khổ tâm khi không trò chuyện thân mật với con cái được vì bọn trẻ không biết tiếng mẹ đẻ. Điều này càng làm tôi muốn viết một bài về tiếng Việt”. Phương Thảo - Ngọc Lễ cũng đã dành nhiều thời gian để rèn tiếng Việt cho hai con gái. Hai vợ chồng đưa các con đi học tiếng Việt mỗi cuối tuần, đọc truyện vui tiếng Việt cho con nghe, nhờ cô giáo dạy kèm tiếng Việt riêng cho hai con. Sự ra đời Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ Ngày 21-2 hằng năm chính thức được chọn là Ngày tiếng mẹ đẻ quốc tế, viết tắt là IMLD (International Mother Language Day) kể từ năm 2008. Ngày tiếng mẹ đẻ quốc tế được các quốc gia thành viên UNESCO tổ chức hằng năm tại các trụ sở UNESCO nhằm quảng bá sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và tính đa ngôn ngữ. |