“Những năm gần đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mưa bão nhiều làm cho nhà cửa nhanh xuống cấp, nhu cầu chống thấm tăng cao. Vì vậy từ đầu năm đến nay, sản lượng sơn và chống thấm CT-11A đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt tại thị trường miền Nam và miền Trung. Riêng chống thấm tăng xấp xỉ 32%”. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Duy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sơn Kova, khi đưa nhà máy thứ bảy vào hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất các dòng sơn sử dụng công nghệ nano từ vỏ trấu - một phụ phẩm sau gạo của ngành nông nghiệp.
Cùng nhận định này, ông Phạm Lưu Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ sơn Hoàng Gia, cho biết trong sáu tháng đầu năm sản lượng tiêu thụ sơn và chống thấm tăng 28% so với cùng kỳ.
Thông tin cho biết hiện ở thị trường sơn Việt Nam có 600 doanh nghiệp (DN) ngành sơn. Trong đó, các thương hiệu lớn của các DN có vốn nước ngoài chiếm khoảng 60% thị phần.
Theo ông Đức, trong ba năm trở lại đây các DN nội đã khẳng định chất lượng với người tiêu dùng, chủ các công trình… hơn so với hàng ngoại nên hàng Việt đang được thị trường đón nhận. Khoảng ba năm trước thì thị trường chuộng sản phẩm sơn, chống thấm của DN ngoại hơn. Đây là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng đã quay trở lại tin tưởng hàng Việt hơn.
Những dòng sơn cơ bản của DN Việt đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Những sản phẩm sơn thuộc dòng cơ bản của DN Việt đang chiếm 60% thị phần. Một số mặt hàng như chất chống thấm CT-11A hiện đang được nhìn nhận với vị thế dẫn đầu thị phần chống thấm dân dụng so với các thương hiệu chống thấm của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.
Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sơn-mực in Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020 chú trọng đầu tư các sản phẩm sơn bảo vệ, sơn tàu biển, sơn gỗ… đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu. Nâng tổng công suất sơn các loại lên 570 triệu lít/năm. Mở rộng nâng tổng công suất các cơ sở sản xuất sơn trang trí-xây dựng lên 280 triệu lít/năm...