Nguồn cơn tội ác từ đâu?

Cái ác lên ngôi

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ giết người hàng loạt.

Cho đến nay, hình như vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về hiện tượng giết người hàng loạt tại Việt Nam nên vẫn chưa thể xác định được đặc điểm chung của những kẻ giết người hàng loạt cũng như những động cơ thúc đẩy chúng thực hiện hành vi man rợ này. Nhưng ở các nước phát triển và đặc biệt là ở Mỹ, các nhà nghiên cứu đã cố gắng xác định những đặc trưng của loại tội phạm này. Chẳng hạn như kẻ gây án có một số đặc điểm chung như thường nằm trong độ tuổi 20-30, sống độc thân hoặc ly hôn, xuất thân từ những gia đình bất ổn hoặc không có cha, có ít các mối liên hệ xã hội và thường bị lạm dụng lúc còn bé…

Ở Việt Nam, khi đối diện với vấn đề này, do tính chất quá man rợ trong hành vi của những kẻ thủ ác nên cơ quan điều tra thường phải đem ra xét xử càng sớm càng tốt để đáp lại mong đợi của dư luận nên ít có thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu sâu những kẻ gây án. Phải chăng ngoài những yếu tố mang tính cá nhân như những nghiên cứu tại Mỹ vừa nêu trên thì sự xuất hiện của loại tội phạm này ở Việt Nam còn có nguyên nhân từ sự biến chuyển của xã hội.

Thông thường, khi xã hội chuyển từ truyền thống nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện đại, sức mạnh của các giá trị, chuẩn mực cũng như sự đoàn kết giữa từng thành viên trong xã hội bị suy giảm, từ đó sự kiểm soát xã hội dựa trên chuẩn mực, giá trị và cộng đồng bị suy yếu. Và đây là cội nguồn của những hành vi tội phạm.



Trụ sở Công ty Chế biến gỗ Quốc Anh đồng thời là biệt thự của gia đình ông Lê Văn Mỹ, nơi xảy ra vụ giết người dã man. Ảnh: nguyễn Đức

Dường như khi chuyển sang xã hội hiện đại với sự suy giảm hiệu lực của hệ thống kiểm soát xã hội phi chính thức như vừa nêu trên, vai trò của hệ thống kiểm soát xã hội chính thức phải được nâng lên cao hơn. Kiểm soát xã hội chính thức - như các lực lượng bảo vệ an ninh công cộng, trật tự an toàn xã hội của Nhà nước - phải đóng vai trò chính yếu trong việc giữ gìn sự yên bình cho cuộc sống thường ngày của người dân. Chúng ta luôn tự hào về sự ổn định, an ninh xét về mặt chính trị nhưng rõ ràng là sự an toàn xã hội đang có những khiếm khuyết, theo đó những hành vi tội phạm nghiêm trọng đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Đây là vấn nạn mà xã hội ta phải huy động tổng lực để giải quyết.

LÊ MINH TIẾN, giảng viên Xã hội học, ĐH Mở TP.HCM

Mầm mống của cái ác

Tội phạm giết người hoặc giết người để cướp tài sản là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thời gian gần đây, tội phạm này liên tiếp xảy ra, gây bức xúc, hoang mang cho người dân. Như vụ giết bốn người ở Nghệ An và mới đây là vụ giết sáu người trong một gia đình của anh Lê Văn Mỹ ở Bình Phước. Những vụ án đã xảy ra đều có tính chất man rợ, tàn độc, máu lạnh, tính thảm sát kiểu xã hội đen do hung thủ gây ra.

Nếu phân tích tỉ mỉ hoàn cảnh, động cơ gây án, diễn biến hành vi và hậu quả của tội phạm… thì có thể thấy một số nguyên nhân sau đây:

Con người phạm tội bị thiếu các yếu tố sau đây: kiến thức (không biết lẽ đúng-sai), giáo dục (không biết điều tốt-xấu, thiện-ác, không có danh dự), tình cảm (không có những xúc cảm tốt đẹp mà ngược lại rất lạnh lùng, đố kỵ), tiền bạc (nhu cầu vật chất không đảm bảo), sự quan tâm, chia sẻ (mặc cảm, cô độc và tự loại mình ra khỏi cộng đồng, chống đối xã hội)...

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể có vấn đề về thần kinh do nghiện ngập chất ma túy, chất kích thích khác, hoặc phim ảnh, game bạo lực, độc hại. Với những nguyên nhân chủ quan đó cũng đủ làm cho họ phạm tội man rợ, lạnh lùng, không chút cảm xúc. Bản tính tham, ghen, giận, ích kỷ cùng với sự thiếu hiểu biết của con người dễ dẫn đến kiểu phạm tội độc ác.

Phạm tội giết người, cướp tài sản thường bị kết án tử hình, điều đó chứng tỏ luật hình sự rất nghiêm khắc và thực tiễn xét xử không hề nương nhẹ cho tội phạm này. Tuy nhiên, trước và trong khi phạm tội, kẻ thủ ác không hề nghĩ đến hậu quả của nó hoặc hy vọng có thể trốn thoát (dù chỉ 1% may mắn). Như vậy, mức án tử hình có tác dụng răn đe nhưng không nên hy vọng quá nhiều vào nó khi mà con người bị thiếu thốn quá nhiều từ kiến thức đến vật chất, tình cảm…

Ngoài ra, bất kỳ tội phạm nào xảy ra cũng được dựa trên những tình huống, hoàn cảnh thuận lợi như thiếu cảnh giác của nạn nhân, thiếu sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng và lực lượng chức năng. Đó cũng là những điều kiện thuận lợi cho tội phạm này được thực hiện.

Để phòng ngừa tội phạm giết người cũng phải tác động để loại trừ những nguyên nhân, điều kiện trên. Tức là con người cần có môi trường học tập tốt, một đời sống tình cảm được nuôi dưỡng, chăm chút từ nhỏ, một sự quan tâm, chia sẻ không chỉ lôi kéo họ mà còn góp phần phát hiện sớm nguy cơ phạm tội tiềm ẩn trong họ. Tệ nạn xã hội cần được đẩy lùi bằng những chính sách, biện pháp cứng rắn, triệt để hơn. Người dân cũng cần phải cảnh giác trước tội phạm, được trang bị những kiến thức về phòng ngừa tội phạm và những kỹ năng kiểm soát, xử lý tình huống nguy hiểm. Cơ quan công an cần sớm phát hiện, ngăn chặn tội phạm từ việc phát hiện những cá nhân, băng nhóm có đời sống, sinh hoạt không bình thường để giáo dục, theo dõi và phòng ngừa.

TS LÊ NGUYÊN THANH, Trưởng bộ môn Tội phạm học, ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới