Nguồn gốc Lăng ông Nam Hải

Lăng ông Nam Hải (xã Bình Thạnh, Tuy Phong, Bình Thuận) được xây dựng từ đời Vua Minh Mạng (1820-1840). Trải qua bao biến cố lịch sử, đến nay lăng vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa. Đặc sắc nhất là quần thể kiến trúc cung đình mà không phải nơi nào cũng có được.

Nguồn gốc lăng ông

Tương truyền cách đây trên 110 năm, vùng biển Tuy Phong vào một ngày trời mây ảm đạm, biển mù sương bỗng tan biến, sáng rõ. Có một ông Nam Hải “lụy” bồng bềnh theo dòng thủy triều trôi dạt vào. Người dân Bình Thạnh phát hiện và khấn vái đưa ông vào bờ. Ông Nam Hải này có thân thể khổng lồ, dân vạn chài không thể di chuyển đi nơi khác được mà phải mai táng tại chỗ, sát bờ biển.

Nguồn gốc Lăng ông Nam Hải ảnh 1

Lăng ông Nam Hải

Rồi một hiện tượng khác lạ xảy ra. Vào ngày 22 tháng 8 (âm lịch) năm 1982, một sáng mùa thu nắng đẹp, người dân bỗng thấy có nhiều đốm đen bập bềnh trên sóng nước di chuyển về hướng bờ. Đó là sự xuất hiện của 36 ông Nam Hải áp sát vào bờ theo đội hình mũi tên. Trong đoàn binh ấy, có một ông đang thoi thóp, thân hình dài 12 m, cao 1,5 m, da đen tuyền. Ngư dân tỏ lòng tôn kính sợ ông mắc cạn nên dìu ông ra nhưng ông không có dấu hiệu phản ứng. Đàn cá voi chờ mãi đến khi ngư dân lo xong xuôi việc tang lễ cho đồng loại của mình mới từ từ trở lại biển cả. Một thời gian sau đó cốt hai ông cùng được ngư dân đưa vào lập lăng thờ.

Địa thế "Thủy tụ sơn triều"

Lăng ông Nam Hải được ngư dân xây dựng ở địa thế “Thủy tụ sơn triều”, tức là có nước chảy về hội tụ và đồi cát chập chùng bao bọc hai bên; tựa vào đài nguyên cát trắng theo phương vị Đông Nam-Tây Bắc, đứng soi mình bên bờ biển đẹp. Lăng là sự thể hiện lòng biết ơn của con người đối với sự ưu ái của biển khơi và ngưỡng mộ quyền uy của ông Nam Hải.

Đời Vua Minh Mạng, lăng được trùng tu trên quy mô lớn gồm khu chánh điện, tiền sảnh và vỏ ca. Công trình được trải rộng trên diện tích 1.500 m2, cả tường thành và tường lăng được xây bằng nhiều chủng loại đá núi, san hô rất đặc biệt dày đến 1,2 m. Bắt đầu là cổng lầu rộng hình bán nguyệt, có đắp nổi hai cá kình, hóa thân từ Quan Thế Âm Bồ Tát.

Khu chánh điện có ba nếp nhà mái kép đặt song song theo bố cục chữ Tam. Kết cấu công trình theo lối “chồng rường” bằng loại gỗ qúy hiếm, đá phiến và san hô. Hệ thống cửa thông nhau theo kiểu mái vòm tạo cảm giác sâu thẳm, ấm cúng. Chánh cung có ba gian, điện thờ năm gian, phía sau là hệ thống tẩm thờ lưu giữ hài cốt ông Nam Hải.

Nguồn gốc Lăng ông Nam Hải ảnh 2

Bàn thờ ông

Đặc biệt lăng ông không thờ tượng, chỉ thờ hài cốt, thuần nhất về phong cách, trầm lắng về ý tưởng. Nội điện có đồ thờ tam sự, ngũ sự, đài rượu; ngoại giả có long kiệu, loan giá, tàn lộng, bát bửu.

Trang trí nội thất rất đặc biệt, tạo cảm giác trang nghiêm, lộng lẫy, trong đó màu vàng (tức đất) là gốc của vạn vật, màu tôn qúy nhất. Hoa văn chạm khắc đắp nổi hình rồng như Long hổ triều viên; Lưỡng long triều nguyệt; Ngư long hý thủy. Hệ thống ngũ sắc, ngũ âm như một triết lý nhân văn, biểu hiện sâu sắc về phong tục thờ cúng, lễ hội, thần linh.

Những giá trị văn hóa lịch sử

Tháng Sáu lịch cúng đức ông
Ai đi đâu, đó nhớ mong mà về

Câu ca dao này đã ăn sâu vào trong lòng người dân Bình Thạnh mỗi năm khi tháng 6 về. Lễ hội lăng ông được tổ chức vào ngày 16-6 âm lịch hàng năm với đầy đủ các nghi thức trang trọng, đặc sắc và tôn nghiêm. Lễ hội nhằm cầu cho trời êm biển lặng, mưa thuận gió hòa, cá rộ đúng mùa. Ngư dân Bình Thạnh đều tụ tập về lăng ông để thắp nén hương thể hiện tâm linh thành kính và sự biết ơn, cầu mong ông phù hộ một năm bội thu.

Lăng ông Nam Hải nằm trong quần thể kiến trúc cổ xưa như chùa Cổ Thạch, đền Bình An và Khu du lịch Bình Thạnh nên hàng ngày rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến lăng để thưởng thức vẻ đẹp của kiến trúc cổ, đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo.

Nguồn gốc Lăng ông Nam Hải ảnh 3

Bộ xương cá voi

Công trình lăng ông Nam Hải đã để lại dấu tích của cha ông, những con người dũng cảm nhưng thật thà, chân chất, giàu lòng nhân ái, là chứng tích lịch sử văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển Bình Thạnh. Song điều đáng nói là một địa chỉ văn hóa có giá trị rất lớn được nhân dân gìn giữ trên 100 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Qua tiếp xúc với ban quản lý lăng, chúng tôi ghi nhận tâm nguyện và sự bức xúc của họ trong nhiều năm qua. Một đại diện ban quản lý cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa từ năm 1995 rồi, nhưng không hiểu vì sao những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của cộng đồng lại không được quan tâm. Nhiều khách du lịch đến đây tham quan rồi họ cũng đặt vấn đề như thế, song chúng tôi đành phải im lặng mà không biết trả lời với họ ra sao”.

Nguyện vọng của ngư dân Bình Thạnh là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi rất mong các ngành, các cấp có trách nhiệm, thẩm quyền quan tâm để lăng ông Nam Hải sớm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

MINH CHIẾN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm