“Vai trò của văn hóa như một nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển toàn diện của kinh tế - xã hội đất nước từng bước được hiện thực hóa. Văn hóa có đóng góp như một lĩnh vực độc lập và như một thành tố nằm xuyên suốt trong các lĩnh vực khác” - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Nguồn sức mạnh nội sinh
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, nhìn chung trong suốt tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam (Đề cương), quá trình phát triển văn hóa và con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
|
Trình diễn nghệ thuật trong chương trình kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa. |
Nhìn nhận văn hóa với tư cách là một nguồn lực nội sinh phát triển đất nước, PGS-TS Trần Thị An (ĐH Quốc gia Hà Nội) lý giải nguồn lực nội sinh của văn hóa có thể nhận diện ở khía cạnh “vốn văn hóa” - một trong năm loại nguồn vốn phát triển đất nước.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội XIII đánh giá vấn đề phát triển văn hóa được đề cập một cách toàn diện và sâu sắc. Báo cáo khẳng định nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa khởi sắc.
“Không phải là các sản phẩm có được do hội nhập, vốn văn hóa được kiến tạo, bảo vệ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi chính con người Việt Nam; tính nội sinh của nguồn lực này đã thể hiện sự vô tận của nó, tính bản sắc của nguồn lực này đã thể hiện sức mạnh vô biên của nó” - PGS-TS Trần Thị An nói.
Từ các nền tảng nguồn lực nội sinh đó, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, đã nhấn mạnh ý của quan điểm văn hóa gắn với sự tồn vong của dân tộc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Các tham luận của hội nghị này cũng đã bàn nhiều đến động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa ở các khía cạnh xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam và xây dựng con người Việt Nam. Tiếp nối các nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc (năm 2021), các vấn đề về xây dựng “hệ giá trị” đã được nghiên cứu sâu hơn trong hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (tháng 11-2022).
Thách thức mới
Đặt văn hóa trong bối cảnh đất nước hiện nay, PGS-TS Trần Thị An cho rằng đất nước đang đứng trước những vận hội mới, vận hội đó đang một lần nữa yêu cầu vai trò của văn hóa và đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa thực hiện những trọng trách quan trọng của mình đối với sự phát triển của đất nước.
Trước các làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới, trước áp lực mạnh mẽ của kinh tế thị trường, trước những tác động của những biến đổi mau lẹ thế giới đến sự phát triển đất nước, việc kiên định dựa trên ba trụ cột “dân tộc - đại chúng - khoa học” trong kiến tạo nguồn lực nội sinh và bản sắc văn hóa dân tộc nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người dân luôn là một vấn đề có ý nghĩa thời sự.
Viện dẫn văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng, PGS-TS Nguyễn Chí Hiếu (Tạp chí Cộng Sản) bày tỏ phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.
PGS-TS Nguyễn Văn Dân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) lại bày tỏ lo ngại trước những hiện tượng văn hóa lộn xộn, chưa đạt chuẩn mực văn minh.
Ông nêu thực tế trong nghệ thuật vẫn còn nhiều sáng tác nhạt nhẽo, hời hợt, dễ dãi, đặc biệt là điện ảnh. Việc tiếp thu văn hóa nước ngoài còn diễn ra xô bồ, thiếu chọn lọc, tập trung quá nhiều vào mảng văn hóa đại chúng, dẫn đến hiện tượng lai căng phản cảm. Các cuộc thi hoa hậu thì diễn ra đến mức được gọi là “loạn”. Có thể nói ta đang “học tập” văn hóa nước ngoài thì ít mà “bắt chước” thì nhiều.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Dân, sở dĩ có sự lộn xộn này là vì những người làm và quản lý văn hóa chưa tuân thủ nguyên tắc “khoa học” của Đề cương mà buông lỏng nguyên tắc “đại chúng”, từ đó dẫn đến buông lỏng các chế tài văn hóa.
GS-TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì nhìn nhận văn hóa ở sự xâm lấn không gian văn hóa. Theo ông, hàng loạt di tích lịch sử văn hóa bị xóa bỏ hoặc thu hẹp về không gian, biến thái về thực hành di sản, nhường chỗ cho phát triển doanh nghiệp và dịch vụ kinh tế.
“Các chuẩn mực về lối sống, nhân cách, đạo đức của một bộ phận lớn trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ đã bị phá vỡ hoặc biến cải, góp phần ảnh hưởng xấu đến sự cố kết cộng đồng cũng như môi trường sinh hoạt xã hội - nhân văn” - GS-TS Bùi Quang Thanh bày tỏ.•
Bài 3: Định vị được sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam
Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra đời Đề cương, Tổng Bí thư Trường Chinh kết luận: “Cuộc sống không đứng yên một chỗ. Cần phát triển Đề cương văn hóa theo hướng đúng trong điều kiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta (...) đòi hỏi chúng ta siết chặt hàng ngũ, phát huy những ưu điểm, khắc phục những lệch lạc, sai lầm trong nhận thức, phấn đấu trở thành người chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”.