“Nguồn lực trong dân còn nhiều mà chưa huy động được”

Chiều 12-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Xác định 135 nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: quochoi.vn

"Trong bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo.

Về quan điểm, Chính phủ xác định lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kế hoạch đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Đang tính toán phát hành thêm công trái

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá giai đoạn 2016 – 2020 đã thu được nhiều kết quả quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế, có nhiều dấu ấn nổi bật và tích cực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tập trung đến việc phát triển của thị trường vốn do năng lực đang hạn chế, khả năng huy động vốn hạn chế. Việc hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng gặp trở ngại, tín dụng tăng chậm, có nguy cơ “chảy” vào những lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản

Người đứng đầu Quốc hội lưu ý Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp cải thiện thể chế, luật pháp, ưu đãi... để mở rộng năng lực thị trường vốn (thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp).

Ông thông tin hiện Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái thông qua người dân như thời gian trước chứ không phải thông qua “kênh” các tổ chức tín dụng.

“Hiện tiền trong dân còn khá nhiều”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Cạnh đó, ông Huệ cho rằng kế hoạch cơ cấu kinh tế 5 năm tới cũng cần chú ý tới các yếu tố nâng cao năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế.  Ở khía cạnh này, việc cấp bách cần làm là điều chỉnh chính sách tài khoá, tiền tệ để phục hồi, tái thiết kinh tế. Tuy nhiên, một vấn đề khác đặt ra là có tiêu được tiền hay không?

“Phải có giải pháp để tiền rót vào mà tiêu được, nhất là trong phân bổ, giải ngân đầu tư công”- ông Huệ nói và nhấn mạnh tới công tác chuẩn bị đầu tư, tăng năng lực quản trị các dự án đầu tư, hay giải quyết các dự án treo, chậm tiến độ…

Cần phải huy động nguồn lực trong nước

Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh quan tâm đến việc phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội tập trung vào những ngành, sản phẩm có tính cạnh tranh, lợi thế. Tuy nhiên, trước đó, bản kế hoạch cần bổ sung thêm nội dung “huy động” và quan tâm đến việc huy động nguồn lực trong nước.

“Phải có huy động mới đến phân bổ và sử dụng nguồn lực”- bà Thanh nói.

Theo Trưởng Ban công tác đại biểu, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng nguồn lực trong nhân dân còn tương đối nhiều mà chưa huy động được. Bởi vậy, cần phải huy động nguồn lực trong nước. Đi liền với đó, theo bà Thanh, là cải cách thể chế, cơ chế chính sách để huy động nguồn đầu tư từ khối FDI cho phát triển kinh tế- xã hội.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng KH&ĐTNguyễn Chí Dũng thừa nhận đồng tiền trong dân còn rất lớn, chưa huy động được. Nhưng vấn đề lớn đặt ra là làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, chứ không phải tập trung vào nhà cửa, đất đai hay vàng, bạc, đô la, tích trữ gửi tiết kiệm….?

“Đây là những vấn đề chúng tôi rất trăn trở”- ông Dũng nói và cho rằng các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã rất rõ nhưng việc thực hiện đang còn có một số vấn đề nhất định.

“Thời gian tới phải làm sao khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực để huy động các nguồn lực trong dân đang còn rất lớn. Bên cạnh đó là việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài, vốn doanh nghiệp nhà nước… “- ông Dũng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm