Ngày 27-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc toạ đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia về kinh tế- xã hội.
Phát biểu bế mạc, ông Vương Đình Huệ cho biết ý kiến đánh giá, góp ý của các chuyên gia là chất liệu quan trọng để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai tới đây.
Đây cũng là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu và triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, để cùng với Chính phủ và cả hệ thống chính trị sớm đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện tại.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời; vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: MINH THÀNH
Nhiều nước chuyển sang “sống chung an toàn với dịch COVID-19”
Tổng hợp ý kiến các chuyên gia, Chủ tịch Quốc hội phân tích có năm nguyên nhân khiến Việt Nam từ vị trí “ngôi sao” chuyển xuống nhóm nước có tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trong năm nay.
Cụ thể, tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc trong thời gian gần đây. Cạnh đó, chúng ta thực hiện các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn.
Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách còn thiếu đồng bộ, thiếu linh hoạt khiến hiệu quả chống dịch chưa đạt như mong muốn. Chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, chính sách tiền tệ ở mức trung bình thấp, chính sách tài khóa chưa tham gia nhiều do nguồn lực còn hạn chế. Các chương trình trợ giúp xã hội cũng còn hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Bộ Chính trị đã có kết luận khẳng định kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên mục tiêu nào phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, ở những địa bàn cụ thể. Trước mắt, tập trung ưu tiên nhiều hơn cho phòng, chống dịch, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết và trước hết.
“Chúng ta vẫn đang đi theo đúng quan điểm này. Đường hướng của Việt Nam là rất rõ”- ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất với ý kiến các chuyên gia về việc phải tập trung đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vaccine, xét nghiệm. Theo ông, đây là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến các chuyên gia liên quan đến quản trị quốc gia, phân quyền, ủy quyền, liên kết vùng… Ông đồng tình “phải thay đổi về cách thức và sách lược”.
Người đứng đầu Quốc hội cũng thống nhất cần phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp. Trong đó, cần đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chuyển sang tăng trưởng xanh, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế; rà soát tăng cường năng lực quản trị quốc gia và năng lực thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương…
Theo ông Huệ, ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch COVID-19, chuyển từ các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách, phong tỏa, truy vết là chính sang các biện pháp tăng nhanh tiêm chủng vaccine, giảm tỷ lệ tử vong…
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội khẳng định điều kiện tiên quyết là phải đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 60 - 70%; hạ tầng y tế khá phát triển và sẵn sàng cao; ý thức của người dân và cộng đồng ứng phó với đại dịch…
Chống dịch và phát triển kinh tế phải chú trọng cả tâm lý người dân
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng ghi nhận ý kiến các chuyên gia cho rằng mục tiêu xuyên suốt chúng ta theo đuổi là bảo vệ sức khỏe nhân dân cả về thể chất và tinh thần. Đồng thời, duy trì linh hoạt các hoạt động kinh tế- xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể, trong điều kiện có dịch bệnh.
"Thực chất là tìm điểm cân bằng tối ưu giữa y tế và phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng linh hoạt theo thời điểm, địa điểm, diễn biến của dịch, không nhất thiết phải trên diện rộng và phải có lộ trình, mở dần nhưng có kiểm soát để vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa phục hồi được kinh tế"- ông Huệ lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để thực hiện được mô hình này cần có ba điều kiện. Thứ nhất là ý thức của người dân và cộng đồng. Thứ hai, tiêm chủng vaccine và năng lực của hệ thống y tế. Thứ ba là sự linh hoạt, không cứng nhắc, kịp thời điều chỉnh và thích ứng với diễn biến của dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội đồng tình cần có khung chính sách được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo, quyết định một cách quyết đoán và tổ chức thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới.
“Cần lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp trên cơ sở tỷ lệ tiêm chủng vaccine, không mở cửa ồ ạt và mở cửa có điều kiện cho từng ngành, lĩnh vực, đối tượng cá nhân và doanh nghiệp. Chống dịch và phát triển kinh tế phải hết sức chú trọng khía cạnh xã hội và tâm lý của người dân”- Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý cần nới lỏng có chọn lọc một số hoạt động xã hội để hạn chế sức ép về xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các chính sách, biện pháp thích ứng với đại dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể. Đặc biệt, việc huy động phân bổ nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiết kiệm và hiệu quả, dự báo được những tác động lâu dài.