TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chuyển chiến lược chống dịch, nhưng đừng để mỗi nơi mỗi kiểu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-9, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về kinh tế- xã hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu tại toạ đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH cho rằng Việt Nam, đã áp theo mô hình “zero COVID” kéo quá dài.  “Chúng ta phong toả cứng đất nước. Thực chất phong toả cứng và rộng chỉ được 7 ngày, cùng lắm là 10 ngày. Chúng ta không thể phong toả cứng đất nước gần nửa năm trời”- TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH

Theo ông Dũng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay để phục hồi kinh tế là chuyển đổi mô hình chống dịch. “Rất mừng là Thủ tướng đã bắt đầu làm việc này, nhưng hiện các địa phương vẫn rất khác nhau”- ông Dũng bình luận.

Ông ví von: Đang có “một vòng kim cô rất lớn” cho các lãnh đạo đứng đầu các địa phương. “Chúng ta đặt ra nếu để bùng phát dịch bệnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nhưng như vậy, người ta khoá cứng địa phương thôi. Địa phương nào chỉ cần có một, hai ca dịch là người ta “khoá cứng”. Điều này sẽ dẫn đến đổ vỡ hết toàn bộ chuỗi lưu thông của đất nước”- vẫn lời ông Dũng.

Ông Dũng dẫn chứng việc TP.HCM khoá cứng hết không cho chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh hoạt động, chỉ cho mình siêu thị hoạt động. Vậy thì khoản (thu) siêu thị nhận được lớn đến thế nào.

“Đó là những "khoản tô" do chính sách của chúng ta đề ra. Những "khoản tô" đó có ở rất nhiều tỉnh, và như vậy tất cả những cái đó đánh vào người nghèo hết”- ông Dũng nói.

Nguyên Phó chủ nhiệm VPQH cũng chỉ ra một thực tế khác, là những người yếu thế (khoảng 29,3 triệu người) đã không có việc làm, chợ truyền thống giá rẻ không tiếp cận được, hàng thiết yếu phải mua qua siêu thị thì người nghèo khốn khổ thế nào.

Ông Dũng cũng đặt vấn đề khi chợ truyền thống đóng cửa, trong khi những người sản xuất nhỏ lẻ, nông dân xung quanh các TP lớn lại bán ở chợ truyền thống vì không thể tiếp cận siêu thị được.

“Điều này là vấn đề rất lớn, không chỉ ở HN. TP.HCM mà nhiều tỉnh thành khác. Nếu chuyển đổi mô hình mở cửa thì chúng ta phải mở cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối trước vì hàng triệu người  phụ thuộc vào đó. Không chỉ là người mua mà cả người bán.

Đó là vấn đề bao trùm của mô hình. Nếu chúng ta chuyển đổi mô hình rồi thì phải mạch lạc”- ông Dũng nhấn mạnh.

“Tôi cho rằng phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng ở thời điểm này phải cần mệnh lệnh từ Trung ương. Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được”- ông Dũng nói thêm và cho rằng chúng ta phải rất nghiêm túc xem với môi trường như hiện nay thì đầu tư chuyển đổi các chuỗi cung ứng có đến mình hay không?

Một vấn đề rất quan trọng khác, theo ông Dũng, là vấn đề về việc làm, vấn đề thiếu hụt lao động. Nghịch lý lao động của chúng ta là nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Một số khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM sẽ thiếu rất nhiều lao động. Hiện lao động phải chạy về quê, chưa biết bao giờ mới quay trở lại. Chắc chắn họ sẽ quay trở lại nhưng bao giờ, trong khi các chuỗi cung ứng toàn cầu không thể ngừng được.

“Nếu không có chính sách để lôi kéo lao động trở lại thì sẽ thiếu hụt lao động rất lớn”- ông Dũng lưu ý.

“Năm tới, nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu thì rất tốt, nhưng cầu trong nước sẽ giảm vì số người về quê sống tự cấp, tự túc…. Do vậy, chương trình tới đây, cho dù là tiền tệ hay tài khoá, nếu không tăng được cầu trong nước thì không thể phát triển được”- TS Nguyễn Sĩ Dũng nói thêm và dẫn chứng “xung quanh Hà Nội trồng rau, nuôi gà bán cho ai nếu người tiêu dùng không có tiền mua”.

“Một vấn đề quan trọng khác của lao động là rất nhiều người có nguồn vốn nhỏ, sáng họ ra chợ đầu mối mua xong bán, giờ họ cạn kiệt tiền rồi. Họ mong có chương trình tín dụng nhỏ hỗ trợ vì đó là nền tảng lao động lớn của chúng ta”- ông Dũng nói tiếp.

Vấn đề cuối cùng, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng QH nên tham gia tích cực hơn trong quá trình quản trị rủi ro. “QH họp “xuân thu nhị kỳ”, có những thứ lại cần điều chỉnh rất gấp. Tôi nghĩ cách như QH các nước làm là tổ chức các phiên điều trần, nhưng QH mình gọi là giải trình. Tôi nghĩ các Uỷ ban phải tích cực tổ chức cái đó”- ông Dũng đề xuất.

“Chẳng hạn trong phòng chống dịch, sắp tới chuyển đổi thì chuyển đổi thế nào? Tiêm vaccine thế nào, giãn cách thế nào? Các uỷ ban phải phối hợp với các bộ, ngành chuyên môn giải trình chính sách mạch lạc”- theo ông Dũng, rất nhiều chính sách được ban hành nhưng không được giải trình.

“Chưa thể giải trình với công chúng thì hãy giải tình với QH, QH phải bảo đảm trách nhiệm giải trình, giải trình được mới minh bạch. Đây là điều rất quan trọng để chúng ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”- ông Dũng kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm