Nguy cơ bùng phát khủng hoảng hạt nhân Iran

(PLO)- Giữa lúc xung đột Nga-Ukraine, mâu thuẫn phương Tây - Trung Quốc đang căng thẳng, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vốn đã âm ỉ có nguy cơ bùng phát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngay khi Mỹ và các đồng minh châu Âu đang vật lộn với xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng âm ỉ về chương trình hạt nhân của Iran có nguy cơ bùng phát trở lại.

Hãng tin Reuters dẫn lời 3 quan chức châu Âu cho biết Anh, Pháp và Đức đã cảnh báo khả năng sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Tehran nếu nước này làm giàu uranium đến mức cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nguy cơ khủng hoảng hạt nhân

Nguy cơ bùng phát khủng hoảng hạt nhân Iran. Ảnh: REUTERS

Nguy cơ bùng phát khủng hoảng hạt nhân Iran. Ảnh: REUTERS

Những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng hạt nhân tăng lên vào tháng 2 sau khi các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiết lộ rằng họ đã phát hiện các hạt uranium có độ tinh khiết 83,7% tại một cơ sở hạt nhân dưới lòng đất của Iran.

Một báo cáo của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS) cho biết: “Mối lo ngại bao gồm việc Iran đã thử nghiệm uranium ở cấp độ gần như vũ khí mà không bị phát hiện”.

Mặc dù mức tăng đột biến uranium có thể là một tai nạn như Tehran đã tuyên bố, nhưng sự cố này nhấn mạnh thách thức ngày càng tăng trong việc hạn chế khả năng mở rộng năng lực hạt nhân của một quốc gia.

Theo trang Atlantic Council, nếu Tehran bắt đầu với uranium được làm giàu 60%, thì họ có thể sản xuất đủ 90% nguyên liệu cho một quả bom trong vòng chưa đầy 1 tuần - một khung thời gian “đột phá”.

Một cuộc khủng hoảng mới về Iran nếu xảy ra lúc này sẽ là một thách thức lớn với Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đang tập trung duy trì sự ủng hộ của các đồng minh đối với Ukraine và tập hợp các nước phương Tây để đối trọng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số quan chức Nhà Trắng có ý định loại vấn đề Iran ra khỏi chương trình nghị sự của tổng thống, điều này khiến các chính trị gia và giới phân tích lo lắng.

Một nhà ngoại giao phương Tây (giấu tên) nói với Reuters: “Nhà Trắng đang bận rộn với Ukraine, Nga và hiện tại họ không muốn mở ra một mặt trận khác”.

Lỗ hổng giám sát

Mặc dù IAEA vẫn có quyền truy cập thường xuyên vào các cơ sở ở Iran nơi có vật liệu hạt nhân, nhưng cơ quan này cũng có các “điểm mù” và số lượng “điểm mù” đang ngày càng tăng.

Từ tháng 2-2021, Iran đã đình chỉ việc thanh tra của IAEA tại các địa điểm hỗ trợ chương trình hạt nhân của Iran nhưng không chứa vật liệu hạt nhân. Tháng 6-2022, Iran cũng đã ngắt kết nối camera tại một số địa điểm quan trọng này.

Ngày 28-2, IAEA đã lần đầu lên tiếng quan ngại rằng lỗ hổng giám sát sẽ ngăn cơ quan này theo dõi các hoạt động hạt nhân của Iran ở một số khu vực nhất định.

Tổng giám đốc IAEA - ông Rafael Mariano Grossi. Ảnh: AP

Tổng giám đốc IAEA - ông Rafael Mariano Grossi. Ảnh: AP

Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi hôm 7-2 đã cảnh báo rằng “khoảng trống” trong giám sát là đáng lo ngại và sẽ “rất khó để khôi phục một bức tranh toàn cảnh” về chương trình hạt nhân của Iran. Ông cảnh báo rằng tình hình sẽ “trở nên tồi tệ hơn” nếu không có đối thoại.

Kích hoạt trở lại các lệnh trừng phạt của LHQ lên Tehran liệu có hiệu quả?

Các quan chức phương Tây lo ngại việc Iran có vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Israel, Saudi Arabia và châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Năm 2015, Iran, đã ký với Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga một thỏa thuận hạt nhân. Theo đó, Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của LHQ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, đến năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Washington khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt lên Iran. Động thái khiến Tehran “nóng mặt”.

Một quan chức hạt nhân cấp cao của Iran cho biết nước này sẽ không để các lệnh trừng phạt của LHQ khôi phục trở lại.

Ông nói với Reuters: “Nếu các bên khác vì bất kỳ lý do gì kích hoạt trở lại lệnh trừng phạt của LHQ, họ sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả”.

“Phản ứng của Iran có thể bao gồm từ việc rời khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đến việc đẩy nhanh phát triển hạt nhân” - ông nhấn mạnh.

Cần lưu ý rằng nếu rời khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Iran sẽ có thể tự do phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình.

Giải pháp khả thi

Cách hiệu quả nhất để giải quyết nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân là khôi phục Thỏa thuận hạt nhân 2015.

Tuy nhiên, dù các quan chức phương Tây muốn để ngỏ cánh cửa ngoại giao thì cũng cần sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc để thỏa thuận được khôi phục. Hiện không rõ thái độ của Bắc Kinh và Moscow với vấn đề này như thế nào.

Nếu thỏa thuận không thành, phương Tây có 3 lựa chọn lớn để ngăn Iran phát triển chương trình hạt nhân, bao gồm: răn đe, hành động quân sự hoặc một thỏa thuận mới.

Tuy nhiên, theo Reuters, răn đe có một nhược điểm đó là có thể cho Tehran thời gian để tiến tới khả năng vũ khí hạt nhân.

Ông Dennis Ross - một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ hiện đang làm việc tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông - gợi ý rằng Tổng thống Biden cần làm nhiều hơn nữa để khiến Iran lo sợ về hậu quả của việc làm giàu ở cấp độ cao hơn.

“Nếu không hành động đủ mạnh để thuyết phục Iran về những rủi ro có thể xảy ra với họ, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng vào một thời điểm nào đó khi Iran đạt tới mức làm giàu uranium 90% hoặc tiến tới vũ khí hóa” - ông nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm