Nguy cơ lộ, lọt thông tin từ camera giám sát

(PLO)- Chuyên gia kiến nghị nên lưu trữ dữ liệu hình ảnh, âm thanh từ camera vào máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam để tránh bị rò rỉ thông tin.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát”.

Thông tin tại tọa đàm cho hay theo thống kê của các doanh nghiệp trong lĩnh vực camera giám sát, có tới 90% camera giám sát có xuất xứ từ Trung Quốc theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. Một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud (lưu trữ đám mây), kết nối về server (máy chủ) đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam (VN) phải “vòng” qua server này trước khi kết nối vào camera của mình.

Do đó, các thông tin cá nhân truyền qua trung gian khi không có các cơ chế bảo mật sẽ gây rủi ro cho người dùng.

Trước nguy cơ gây rủi ro cũng như có thể bị lộ, lọt thông tin, hình ảnh, nhiều bạn đọc bày tỏ lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn từ hệ thống camera giám sát.

Lo ngại về tính bảo mật

Anh VHĐ (ngụ Bình Dương) chia sẻ vào tháng 1 vừa qua camera của nhà anh xảy ra trục trặc, ngay sau đó anh liên hệ đến nơi đã mua camera để được bảo hành.

Trong lúc nhân viên đang sửa chữa camera, trên màn hình giám sát, anh Đ không nhìn thấy hình ảnh của nhà mình mà lại là hình ảnh của một gia đình khác.

“Khi thấy hình ảnh của một gia đình khác xuất hiện trên camera của nhà mình, tôi rất bỡ ngỡ và bất ngờ, vì sao lại có chuyện lạ đời đến thế? Từ đây, tôi cũng thắc mắc về tính bảo mật an toàn từ camera, có thể một thao tác hay một thủ thuật nào đó mà những người am hiểu về camera sẽ có thông tin, hình ảnh của người khác” - anh Đ nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Như Ý (ngụ Vĩnh Long) cho biết do có con nhỏ, để tiện bề chăm sóc nên chị đã lắp đặt camera giám sát khắp nơi trong nhà, kể cả phòng ngủ.

Tuy nhiên, thời gian qua trên mạng liên tục xuất hiện những hình ảnh nhạy cảm được trích xuất từ camera mà không phải do người dân cung cấp.

camera giám sát
Khi mua, nên chọn các hãng camera có uy tín thay vì chọn các camera có giá rẻ.
Ảnh: HUỲNH THƠ

“Tôi thấy rất nhiều video không phải do người dân trích xuất mà bị đăng lên mạng xã hội, có thể do bị hack, chứ ai lại đưa hình ảnh qua camera ghi lại cảnh của vợ chồng lên mạng xã hội như vậy đâu. Điều này cũng chứng tỏ rằng camera không được đảm bảo an toàn, như vậy liệu việc sử dụng camera có an toàn không?” - chị Ý nói.

Anh TTK, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, cho hay doanh nghiệp của anh có đến gần 30 camera giám sát, dù đã chọn mua loại camera có giá cao của các hãng nổi tiếng nhưng anh vẫn lo lắng về việc bị tấn công để lộ thông tin, hình ảnh ra ngoài.

“Hacker bây giờ hay lắm, dù mình đã đổi mật khẩu nhưng họ vẫn có nhiều cách khác để xâm nhập” - anh K nói.

Trước đây có vụ một nữ ca sĩ bị phát tán nhiều clip nhạy cảm, mặc nội y để thay đồ và thử đồ. Những hình ảnh nhạy cảm này đều được ghi lại từ camera an ninh gắn trong nhà riêng. Tại thời điểm này, nhiều người cho rằng nữ ca sĩ có thể đã bị hacker tấn công camera.

Cần lưu trữ dữ liệu trên máy chủ tại Việt Nam

Trao đổi với PV, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena, cho biết hiện các loại camera được sử dụng trên thị trường VN đều ghi nhận thông tin, hình ảnh, âm thanh của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước nhưng chưa có quy trình chuẩn nào về an ninh bảo mật.

Cụ thể, những thông tin được camera lưu trữ rất quan trọng, thể hiện thói quen tiêu dùng, thói quen sinh hoạt hằng ngày, thậm chí là những thông tin bí mật, hành vi nội bộ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp VN. Tuy nhiên, tất cả thông tin này đều lưu trữ dựa trên cơ chế lưu trữ cloud và chuyển về máy chủ ở nước ngoài.

“Nếu tất cả dữ liệu của người dân VN được chuyển về máy chủ ở nước ngoài thì rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin, gây mất an ninh mạng, an ninh trật tự xã hội” - ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra quy chế bảo mật an ninh cho dữ liệu camera. Trong đó, bắt buộc các công ty cung cấp, buôn bán thiết bị camera phải tuân theo quy chế dữ liệu âm thanh, hình ảnh trên lãnh thổ VN. Tất cả dữ liệu phải được lưu trữ trong máy chủ của VN. Hiện nhiều nước đã có quy định này, ví dụ ở Mỹ, dữ liệu của tất cả cá nhân, tổ chức trên lãnh thổ phải được lưu trữ tại trung tâm máy chủ trên lãnh thổ.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại camera có giá rẻ được bán trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Với mặt hàng này, người dùng không thể biết được hình ảnh, âm thanh lưu trữ của mình nằm trong tay ai và được bảo mật hay không. Do đó, nên lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu uy tín để tránh rủi ro bị rò rỉ thông tin.

Giá rẻ, bảo mật thấp

Một kỹ thuật viên về lắp đặt camera cho biết hiện trên thị trường có rất nhiều loại camera có xuất xứ khác nhau với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng.

Giá càng rẻ thì chất lượng hình ảnh camera càng thấp. Đường truyền cũng không ổn định bằng các loại có giá tiền cao hơn. Đáng chú ý, các loại camera này sẽ khiến dữ liệu không được đảm bảo, bảo mật thấp, rất dễ dàng bị hacker tấn công qua mã IP để xem trộm.

Kỹ thuật viên này khuyến cáo người dân nên lựa chọn các loại camera có thương hiệu uy tín để hạn chế rủi ro bị rò rỉ thông tin, an tâm về nguồn dữ liệu.

Bên cạnh đó, người dân nên hạn chế tối đa việc chọn mua các loại camera giá rẻ được bán trôi nổi trên mạng. Nhiều trường hợp tiền mất tật mang, mua camera về nhưng khó lắp đặt, sử dụng, chất lượng kém, nhanh hư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm