Trung Quốc (TQ) sẽ tăng 400% quân số lính thủy đánh bộ để triển khai tới các cảng mà nước này đang vận hành ở Djibouti thuộc vùng sừng châu Phi và ở Gwadar thuộc miền Tây Nam Pakistan nhằm bảo vệ “quyền lợi biển và lợi ích ở nước ngoài” ngày càng gia tăng của nước này.
Tung quân để bảo vệ thương mại
“Gót chân Achilles của TQ chính là thương mại, nhất là các nguồn tài nguyên thiên nhiên đến từ biển và các khu cảng. Thương mại cũng chính là nguyên nhân lớn khiến TQ chắc chắn triển khai sức mạnh quân sự trên toàn cầu. Lực lượng vũ trang của Bắc Kinh đang hành động từ từ nhưng chắc chắn củng cố và bảo vệ các khu cảng ở nước ngoài cũng như các tuyến đường thương mại khởi nguồn từ châu Âu, Trung Đông và châu Phi dẫn tới các vùng biển TQ” - hãng tin Fox News dẫn lời ông Harry Kazianis, Giám đốc bộ phận nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ, cho biết.
Hồi 16-11-2016, báo cáo hằng năm của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung cũng cho biết TQ đang phát triển tàu chiến, tàu ngầm, máy bay, hệ thống tình báo và các căn cứ ở nước ngoài nhằm giúp nước này trở thành cường quốc quân sự toàn cầu. Báo cáo còn có một chương nói về dự án phát triển quân sự của Bắc Kinh, cảnh báo rằng một khi phát triển toàn diện, những loại vũ khí này có thể khiến tình hình ở biển Đông và biển Hoa Đông trở nên phức tạp hơn trước, theo National Interest (NI).
Bản báo cáo bày tỏ lo ngại: “Với việc TQ có thể triển khai lực lượng đặc nhiệm, tàu chiến và máy bay được hiện đại và có thêm kinh nghiệm hoạt động quân sự ở nước ngoài, TQ sẽ có thể sử dụng các biện pháp vũ lực để bảo vệ lợi ích của mình”.
Xe tăng và lính thủy đánh bộ Trung Quốc trong một cuộc diễn tập tấn công đổ bộ. Ảnh: THX
Thách thức nước Mỹ
Quân đội TQ đang được đầu tư sức mạnh và hiện diện nhiều hơn trên thế giới. Các chuyên gia đánh giá đây có thể là một thách thức mới và sẽ thúc đẩy Mỹ tăng cường các hoạt động vũ trang.
“Thay đổi lớn nhất là các điểm nóng tiềm năng của cả Mỹ lẫn TQ sẽ không cố định ở một khu vực nào đó mà là quy mô toàn cầu” - ông Kazianis khẳng định. Theo ông, Washington sẽ cạnh tranh chiến lược không chỉ trên bàn cờ nhiều biến động như khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà sẽ sớm “đấu” ở cả Ấn Độ Dương, Trung Đông, bờ biển châu Phi và có khả năng cả ở Đại Tây Dương.
Theo chuyên gia an ninh và chính sách đối ngoại Mỹ James Jay Carafano, chiến lược tái định hình của TQ thể hiện ở nhiều điểm: Từ việc Bắc Kinh cho đóng tàu sân bay có khả năng tác chiến hải quân, xây dựng các tiền đồn trên nhiều vùng biển, cho tới sử dụng lực lượng dân quân trên biển hùng hậu có thể hành động thay mặt chính phủ. Tuy vậy, với tuyên bố chủ quyền chồng lấn với lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế nhiều nước láng giềng, khả năng triển khai sức mạnh hải quân của TQ đang bị hạn chế đủ đường. “TQ không có quyền đi lại tự do nào khác vào các vùng biển khu vực, ngoại trừ “quyền đi lại vô hại” đối với các tàu thương mại và quân sự” - ông Carafano nhận định.
Báo cáo của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung năm 2016 nhận định Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ phải đầu tư hơn nữa để tìm hiểu năng lực của quân đội TQ. Đồng thời hải quân và lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ cũng cần phải duy trì và tăng cường tập trận chung với các nước đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Philippines. Theo báo cáo trên, Lầu Năm Góc cần phát triển “những biện pháp cản trở hoạt động hậu cần của TQ trong thời bình” nhằm làm suy giảm “khả năng hỗ trợ hậu cần của TQ cho các chiến dịch quân sự có thể xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai”. _________________________________ “Mỹ buộc phải nhìn nhận nghiêm túc rằng TQ đã tiệm cận vị thế siêu cường. Nguồn lực đầu tư đối phó các vấn đề cấp bách hiện tại như IS, Nga và chủ nghĩa khủng bố nhiều khả năng sẽ giảm” - ông Harry Kazianis. |