Dù đã nghỉ công tác nhưng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vẫn luôn bận rộn. Ông luôn muốn được nghỉ ngơi trong khu vườn xanh mướt của gia đình, bận rộn với bầy chim yến, cây cảnh nhưng mọi người vẫn cần ông hiện diện trong nhiều hoạt động.
Điều ít biết là sau khi nghỉ công tác, ông từng có những cuộc đón tiếp, gặp gỡ với những kiều bào trở về Việt Nam, trong đó có những người từng chống đối, định kiến.
Có lẽ phong cách bình dị, chân thành, thẳng thắn, tinh thần khoan thai, cởi mở của ông khiến ông luôn được tín nhiệm về đối ngoại nhân dân. Cuộc trò chuyện với 1.000 kiều bào trên đất Mỹ của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm lịch sử quốc gia này năm 2007 vẫn luôn là dấu ấn đáng nhớ khi ông là lãnh đạo cấp cao Nhà nước VNXHCN đầu tiên thăm Mỹ.
Trong tháng 4 lịch sử này, ông có mặt trong nhiều sự kiện gắn với kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dành cho VietNamNet cuộc trò chuyện về hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Nguyên Chủ tịch nước cho rằng, thực tiễn chắc chắn không thể đảo ngược là kể từ ngày Bắc - Nam thống nhất, trong mấy chục năm xây dựng, đổi mới và hội nhập, đất nước ngày càng phát triển, vị thế, uy tín của ta trên trường quốc tế được thừa nhận và đánh giá cao. Kiều bào, những người xa xứ dù còn ở cực này hay cực khác của cảm xúc thì cũng cần nhìn nhận thực tiễn này.
Dù ở cực này hay cực khác của cảm xúc, cần nhìn nhận thực tiễn đất nước đã phát triển, hội nhập.Ảnh: Đặng Ngọc Chính |
"Tái thiết đất nước trong hoàn cảnh, xuất phát điểm tự lực cánh sinh nên có những thời kỳ đất nước khó khăn quá, người ta nhìn vào thậm chí chê trách lãnh đạo ta. Ngày nay, đất nước đã có thành quả phát triển, 30 năm đổi mới có những thành tựu nhất định được cộng đồng quốc tế nhìn nhận thì kiều bào cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế này" - nguyên Chủ tịch nước nói.
Ông cho hay, hòa giải, hòa hợp dân tộc hậu chiến đã có nhiều lúc vì những mặc cảm, định kiến, thù hận của quá khứ khiến mọi việc không dễ dàng. Nhưng xu hướng ngày càng tốt lên, không ít người từng định kiến nay đã trở về và có cái nhìn khách quan hơn về đất nước.
Tình cảm là số I La Mã
Đã 40 năm trôi qua rồi, vậy theo ông, điều gì còn lại trong vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc?
Mọi việc phải có quá trình. Những người bỏ nước ra đi trước đây, có thể nói mỗi người mỗi cảnh, chắc ít ai vui vẻ ra đi, mà ngược lại canh cánh với nỗi đau của mình. Chưa nói có người mất mát gia đình, người thân. Tôi chỉ muốn nói rằng có người ra đi cũng đau khổ, có những hoàn cảnh mà có khi mình chưa chia sẻ hết, chưa thông cảm hết.
Trong suy nghĩ của tôi, hòa hợp, hòa giải dân tộc cần sự chủ động để tháo bỏ sự mặc cảm, định kiến, nặng nề. Chiến tranh đã đi qua 40 năm rồi, không có Mỹ gây ra cuộc chiến trong quá khứ thì chúng ta không có cảnh này đâu.
Với kiều bào, thứ nhất vẫn phải là tư tưởng, tìm cảm hướng về tổ quốc.Ảnh: Đặng Ngọc Chính |
Chúng ta phải tìm cách kéo họ về như những người anh em, đồng bào cùng chung Tổ quốc, chung giống nòi, làm sao ranh giới này dần dần bị nhòa đi. Hòa giải dân tộc có hiệu quả, để không còn lấn cấn trong tâm thức về điều này nữa.
Sự chủ động hòa hợp, hòa giải dân tộc theo Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị triển khai trong hơn 10 năm qua có điểm nào đáng nói, thưa ông?
Nghị quyết 36 được hiện thực hóa cụ thể qua các chính sách visa, đầu tư, mua nhà cửa, công tác thâm nhập để nắm bắt tâm tư của kiều bào, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của kiều bào ở nước ngoài...
Đặc biệt là vận động những người từng chống đối, thù hận, định kiến trở về nước để tham quan, thấy rõ những đổi thay, thành quả đổi mới, phát triển.
Nhiều cuộc hồi hương của kiều bào, số lượng Việt kiều đầu tư về trong nước ngày càng gia tăng, kiều bào về nước mua nhà ở, đi du lịch... Hay như việc kiều bào ra Trường Sa hay quá, mình đã tổ chức khá tốt cho việc này và nên làm nhiều hơn nữa.
Tôi đánh giá tất cả những việc trên đều quan trọng, nhưng chỉ quan trọng thứ 3, 4 thôi, chứ không phải thứ nhất. Đối với kiều bào, thứ nhất vẫn phải là tinh thần, tư tưởng, tình cảm hướng về tổ quốc ra sao.
Trước hết tôi muốn nhấn mạnh tình cảm quê hương đất nước, tình nghĩa đồng bào, tình cảm hướng về dân tộc, sự hòa hợp là I (số I La Mã). Thứ hai là chất xám của trí thức kiều bào. Kiều bào mang chất xám về đây là hữu hiệu nhất, không tiền nào bằng được đâu.
"Tình cảm là số I La Mã" |
Cần một cuộc đại xá tinh thần
Vẫn có những sự mặc cảm, định kiến sót lại. Theo ông, Nghị quyết 36 cần tư duy nhận thức mới chăng để chúng ta có sự hòa hợp trọn vẹn?
Tôi hiểu có những mức độ chấp nhận khác nhau về chuyện hòa giải. Có những nghịch lý tồn tại nhưng bước qua lằn ranh đâu đơn giản. Có những người chứng kiến sự hy sinh của dân tộc quá lớn, họ cứng như thép, không dễ xoay chuyển được. Có người cho rằng, thôi đã 30-40 năm qua rồi, hãy hòa hợp, hòa giải nhanh đi...
Nếu nhìn vào những mất mát, hy sinh to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua được. Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, thì trong quan hệ có thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng. Như nghĩa trang Bình An được dân sự hóa có thể coi là một bước chuyển trong chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc. Giờ thân nhân của họ có thể về viếng mộ, thắp nhang nhưng cũng nhiều năm mình mới làm được.
Chúng ta đã làm rất nhiều, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 36 đề ra. Nhưng trên hết tôi vẫn trăn trở, mong muốn có một cuộc gặp mặt rộng lớn nào đó với những tuyên bố mang tinh thần đại xá, tất cả chuyện cũ hãy cho nó qua đi, lật qua một trang mới. Cái đó tôi muốn gọi là một điểm đột phá.
Hay như những người tham gia trận chiến ở Hoàng Sa năm nào, nếu tính về bảo vệ tấc đất, biển đảo của Tổ quốc thì có tính ghi công, vinh danh không? Theo tôi, cái gì làm được, có ích thì nên làm. Nếu lấy ý kiến của dân chắc được nhiều người đồng tình?
Đổi mới mạnh mẽ hơn
Là người đã đi qua những năm tháng lịch sử, lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đổi mới, ông nhận thấy chặng đường phía trước Việt Nam phải làm gì để hội nhập quốc tế mạnh mẽ, phát triển vững chắc về kinh tế, đặc biệt trong đó gắn kết, phát huy nội lực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài?
Kinh tế trong những năm qua tuy có lúc thăng trầm nhưng đến nay dần chuyển biến, khá hơn.
Không đặt những ngưỡng vượt cạnh tranh thì làm sao đuổi kịp các nước phát triển? |
Đời sống của người dân được cải thiện, giảm nghèo. Việt Nam ngày càng có tiếng nói mạnh hơn trên trường quốc tế. Có nhiều cột mốc đánh dấu sự phát triển trong suốt 40 năm qua nhưng nhìn lại, hướng về phía trước, tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tiếp tục luôn đổi mới
Việt Nam có 30 năm đổi mới nhưng để sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn thì chúng ta đổi mới bấy nhiêu vẫn chưa đủ.
Chính sách không bao giờ hoàn thiện tuyệt đối, bữa nay mình làm vậy phù hợp, nay mai thay đổi thì phải điều chỉnh. Như vậy phải luôn đổi mới. Trong đó, đổi mới tư duy là quan trọng, hàng đầu. Nếu tư tưởng, nhận thức không thay đổi thì không gì thay đổi được.
Nếu so với thời kỳ khi đất nước bắt đầu đổi mới những năm 1980, 1990, rõ ràng nay đòi hỏi, thử thách lớn hơn. Hồi trước, đất nước ta gặp phải khó khăn chồng chất, kinh tế thì trì trệ kéo dài, đổi mới tăng trưởng 1-2% là mừng rồi.
Nhưng giờ thì khác. Mình tăng trưởng khoảng 5-6%, mình nghĩ không phải đòi hỏi gì thêm, cứ giữ đều như vậy là tốt. Nhưng TQ nhận mức tăng trưởng 7% là kém nhất trong mấy chục năm qua thì chúng ta phải suy nghĩ, tại sao họ tăng 9-10% được mà mình không dám vượt lên ngưỡng của chính mình?
Nếu không đặt những ngưỡng vượt cạnh tranh thì làm sao mình đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực. Mình phải nhận thức rõ thực tế, mình vẫn ở cách họ một khoảng cách không nhỏ.
Ngay cả Indonesia, Thái Lan, Singapore, mình cũng phải đổi mới mạnh mẽ mới phát triển theo họ được. Vì vậy chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phát triển, phát triển mạnh và vững chắc hơn nữa. Thắng lợi đang ở phía trước.