Sau Hiệp định Paris 1973, tình hình ở vùng ven Sài Gòn diễn ra nhiều chuyện rất lạ. Đơn vị chúng tôi đóng quân ở rừng Bời Lời, thuộc huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, cách Sài Gòn chừng 35 km, cách khu vực ấp có dân và các đồn binh của lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) chừng 2-3 km. Khoảng cách này là một cái trảng gọi là Trảng Sa (nay là ấp Trảng Sa, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi có Di tích lịch sử - văn hóa căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời). Hằng ngày người dân ở trong ấp ra đây làm ruộng, mua bán, người dân sống tự do từ trong khu vực giải phóng cũng ra đó.
Đi tay không vào chợ
Ở khoảng đất giữa trảng mọc lên một cái chợ chồm hổm. Chợ thường họp cách nhật vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, từ 7 giờ sáng đến chừng 10 giờ trưa là vãn. Chợ chủ yếu bán đồ khô như gạo, cá khô, nước mắm, muối, trà, sữa hộp (hiệu Con chim), thuốc rê đóng bánh, pin, bút Bic, rượu trắng, đường, bánh kẹo... Người bán chủ yếu là dân trong ấp, còn người mua là dân ở vùng giải phóng, anh nuôi của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích và bộ phận dân chính của phía giải phóng, ngoài ra còn có cả binh lính, địa phương quân của VNCH.
Ngày ấy, các đơn vị hoạt động vùng ven được cấp tiền Sài Gòn để tiêu dùng, còn cán bộ mỗi tháng được khoảng 700 đồng phụ cấp, khi đó gọi là tờ có hình Trần Hưng Đạo (500 đồng) và tờ Nguyễn Huệ (200 đồng). Tuy không nhiều nhưng cũng mua được nhiều thứ thiết yếu như kem đánh răng, xà phòng… nên ai cũng khoái đi chợ.
Tác giả (người mặc áo lính) bên mộ đồng đội tìm được sau hơn 30 năm thất lạc. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Không biết từ ai và từ lúc nào mà có một quy ước bất thành văn là không được bắn nhau khi vào chợ này. Cho nên ở hai phía của đầu chợ đều có người giữ vũ khí, binh lính của hai phía khi vào chợ chỉ được đi tay không. Từ khi mở chợ đến đầu năm 1975 không có vụ đấu súng nào nổ ra tại đây.
Những ngày đầu, lính của hai phía cũng dè chừng, canh chừng nhau, xong về sau thấy không sao nên thôi, thậm chí hai bên có nhiều người còn biết nhau. Thỉnh thoảng hai bên còn ngồi với nhau gầy độ nhậu, nghe họ hỏi thăm nhau mới biết có người là bà con, có người là bạn cùng lối xóm chơi với nhau từ lúc còn cởi truồng. Nếu không khác nhau về sắc phục thì cảnh này chẳng khác nào những nông dân ngồi chơi với nhau giữa buổi làm đồng.
Cũng chính từ cái chợ này mà lần đầu tiên tôi được đọc các báo Tin Sáng, Trắng Đen và biết mùi thơm của cục xà bông “Cô Ba”. Cho đến nay không ai biết được tại sao lại có cái chợ đó. Người thì nói do dân tự lập, người lại bảo phía VNCH cố tình lập chợ để dò xét tình hình. Nhưng có một thực tế là nhờ cái chợ này mà bộ đội mua được gạo, thực phẩm và cả các loại thuốc Tây nữa. Cũng chính nhờ cái chợ này mà nhiều “phi vụ” móc nối thành công khiến cho người thân nhiều gia đình ở hai bên lâu ngày xa cách gặp được nhau.
Đám cưới giữa làn ranh cuộc chiến
Đầu năm 1974, anh Năm Kiêm, một cán bộ của đơn vị tôi được giao cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở nội tuyến. Có lẽ công tác vận động quần chúng quá tốt nên kết quả là đưa đến… một đám cưới. Bàn mãi không biết nên làm đám ở đâu, vì làm trong cứ thì không được, sợ lộ bí mật. Cuối cùng, tổ chức quyết định tổ chức ngay ngoài trảng.
Lính ta mất một đêm chặt cây dựng rạp, làm bàn ghế cho đôi tân hôn, các bà các chị đốt lửa nấu ăn rổn rảng. Đến gần trưa, các bàn ăn đã dọn ra, tuy không linh đình nhưng coi cũng tươm tất. Khi ông chủ lễ - cũng là chính trị viên - vừa tuyên bố khai tiệc xong thì bất ngờ thấy xe thiết giáp và lính của Sư đoàn 25 bao vây giáp vòng. Lính ta nhào ra dàn thế trận chuẩn bị ứng chiến. Nhưng hai bên chỉ… nhìn nhau mà không ai nổ súng. Thấy vậy, đám cưới vẫn tiếp tục trong tình thế phòng ngừa, tuy không rộn rã nhưng cũng xong.
Tàn cuộc, đám cưới giải tán, lính ta rút êm, không quên để lại hai bàn tiệc cho… phía bên kia, kèm theo một can 20 lít rượu Trảng Bàng sủi tăm. Tuy là khách không mời nhưng họ cũng không khách khí mà đánh chén vui vẻ, sau đó còn nhắn lời cám ơn nữa!...
Hoạt động ngôi chợ này tồn tại và kéo dài cho đến đầu năm 1975, khi tình hình chiến sự bắt đầu căng trở lại. Sau đó thì mọi thứ cuốn đi, rồi tất cả trở lại bình thường, trên một đất nước hòa bình, thống nhất.
“Nếu thực lòng, chẳng có gì là không thể” Đó là suy nghĩ của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, tác giả bài báo bên cạnh, hiện là trưởng khoa Đô thị học, ĐH KHXH&NV, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM. . Phóng viên: Thưa ông, 40 năm trước, ông là thành viên của những nhóm biệt động, đặc công lặng lẽ tiến về Sài Gòn để đánh chiếm những cây cầu và những điểm yết hầu. Những ngày này, cảm xúc của ông ra sao? + TS Nguyễn Minh Hòa: Chỉ trừ thời gian đi học tập, làm việc ở nước ngoài, còn hầu như tôi sống ở thành phố này, từ khi mái tóc còn xanh mướt đến nay đầu bạc trắng. Hơn 42 năm rồi, tôi là người đã góp phần chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và trưởng thành cùng thành phố này. Đã 40 lần 30-4 rồi, vả lại tuổi đã cao, không còn cái háo hức, bay bổng của ngày ấy mà niềm vui cũng như nỗi đau đã lắng lại, thay vào đó là những ưu tư, suy nghĩ về thân phận mỗi con người và dân tộc này. Trong ngày 30-4 năm nay, trên lễ đài và trong đoàn quân diễu hành chắc là không có mấy đồng đội của tôi đâu. Sau 30-4-1975, phần lớn họ đã trở về với ruộng đồng, nương rẫy. Những người trong đơn vị biệt động của tôi đang sống ở thành phố này không ai có đời sống khá giả cả, cuộc sống của họ khó khăn lắm… . Theo ông, có hay không một hội chứng chiến tranh với các cựu binh như ông? + Tôi nghĩ là có, tuy nhiên hội chứng chiến tranh của chúng ta khác với cựu binh Mỹ. Họ bị trầm cảm vì ân hận, những hành động sai lầm mà họ gây ra ở Việt Nam đã dày vò họ khôn nguôi. Hội chứng chiến tranh của cựu binh Việt Nam là những di chứng về thể chất và tinh thần, nó đeo đẳng mãi. Có người cho đến tận giờ không bỏ được thói quen ngủ võng, có người đêm ngủ mơ hét “xung phong”... Bản thân tôi cũng thế. Trước năm 2008, cứ đến dịp 30-4 hằng năm là tôi cảm thấy rất khó ở, người lúc nào cũng như bị sốt, mất ngủ triền miên và trầm cảm. Nguyên do là vào đêm 30-4-1974, tôi cùng 11 anh em vào ấp chiến lược, bị phục kích và hy sinh mất hai người, bị thương bốn. Trong hai người hy sinh thì một là bạn học cùng trường và một người là tiểu đội trưởng của tôi. Xác của họ sau đó không được tìm thấy. Tôi đã phải mất hơn 30 năm đi tìm tung tích về họ, mãi đến năm 2008 mới tìm được. Sau đó tôi về tận quê hương đưa gia đình vào đón được một người, còn một người thì gia đình không còn ai. Từ sau đó tôi mới phần nào thấy thanh thản, lấy lại được trạng thái bình an. . Là nhà nghiên cứu, một trí thức trưởng thành từ người lính, ông nghĩ gì về hòa giải, hòa hợp dân tộc? + Nhiều người nói hòa giải, hòa hợp khó lắm, bởi thù hằn đã quá sâu. Với người dân và cựu quân nhân với nhau thì hình như là không khó. Ở cái đất Nam Bộ này gia đình nào mà chả có người bên này, kẻ bên kia! Ấy thế nhưng khi gặp nhau, lớn thì giỗ chạp, cưới xin, nhỏ thì những cuộc nhậu cóc ổi, chẳng có ai gây sự hằn thù theo kiểu “địch - ta” cả. Gia đình tôi và cả gia đình bên vợ tôi có không ít người là sĩ quan, binh lính, công chức trong chế độ VNCH nhưng chúng tôi chưa bao giờ gây chuyện với nhau. Ông chú bên vợ tôi vốn là lính biệt động quân của Sư đoàn 25 - là đơn vị mà suốt năm năm trời đơn vị tôi đã đối đầu ở Củ Chi, Hóc Môn. Vậy mà giờ trong tiệc tùng, chúng tôi chỉ cà rỡn nhau cho vui thôi. Từ chuyện gia đình mà tôi suy ra thôi. Mà có ai xa lạ gì đâu nào, tất cả đều là anh em ruột thịt, bà con lối xóm với nhau cả. Nếu nói rộng ra thì cũng tóc đen, mắt đen, máu đỏ da vàng với nhau cả thôi. Chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc cần nhất là sự chân thành, xuất phát từ trái tim rộng mở của cả hai phía. Nói như người miền Nam thì chuyện gì cũng tính được hết, miễn thành thực với nhau. . Xin cám ơn ông. MINH QUANG thực hiện |