Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa xử giám đốc thẩm, tuyên hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xử lại từ đầu vụ tranh chấp việc mua bán nhà.
Đây là vụ án với tình huống pháp lý hay mà Pháp Luật TP.HCM đã từng phân tích theo hướng như nhận định của án giám đốc thẩm. Sau đó chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị bản án này.
Theo đó, vợ chồng ông T. có mượn của ông C. 1 tỉ đồng, không có tiền trả nên ông T. đề nghị ông C. mua lại nhà của mình với giá 2 tỉ đồng. Tháng 8-2008, ông C. trả thêm 1 tỉ đồng và ký cam kết (có công chứng), khi ông T. được cấp giấy hồng thì sẽ chính thức làm hợp đồng chuyển nhượng. Ông T. xin ở trong nhà khi nào làm hợp đồng chính thức sẽ giao.
Nhưng sau khi được cấp giấy hồng, ông T. lại bán căn nhà cho Công ty K. với giá 700 triệu đồng. Ông C. biết chuyện bèn ngăn chặn việc sang tên cho Công ty K. và yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa buộc ông T. phải thực hiện cam kết mà hai bên đã ký; hủy hợp đồng mua bán giữa ông T. và Công ty K.
Tháng 8-2014, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của ông C. Hai bên không kháng cáo, riêng Công ty K. kháng cáo yêu cầu ông T. phải giao nhà cho mình. Tháng 9-2014, VKSND tỉnh Khánh Hòa có kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ án sơ thẩm.
Tháng 4-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) xử phúc thẩm, tuyên đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông C. với lý do hai lần đã triệu tập hợp lệ nhưng ông C. vẫn vắng mặt. Tòa không chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh, chấp nhận kháng cáo của Công ty K., sửa án sơ thẩm, buộc ông T. phải giao nhà cho Công ty K.
Pháp Luật TP.HCM đã phân tích theo hướng việc tòa phúc thẩm đình chỉ là sai vì khoản 2 Điều 199 BLTTDS mà tòa áp dụng (quy định nguyên đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và tòa đình chỉ giải quyết vụ án) là quy định cho phiên tòa sơ thẩm chứ không phải phiên tòa phúc thẩm…
Bản án giám đốc thẩm nhận định: Sau khi xử sơ thẩm, viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa kháng nghị, Công ty K. kháng cáo, ông C. không kháng cáo. Theo Điều 266 BLTTDS (sửa đổi năm 2011) thì người không kháng cáo được tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vắng mặt thì xử vắng mặt. Vì thế việc tòa phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của ông C. là không đúng.
Cạnh đó, về nội dung án giám đốc thẩm cũng cho rằng tòa phúc thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông T. với Công ty K. là sai. Từ đó Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao.