Nguyên nhân Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu tác động nặng nhất của biến đổi khí hậu

(PLO)- Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngày 22-11, Viện nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học Phát triển con người trong bối cảnh giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Hội thảo khoa học phát triển con người trong bối cảnh giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ngày 22-11. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách hội đồng lý luận Trung ương, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu do Việt Nam có đường bờ biển dài (khoảng 3.260 km) và nhiều địa phương có địa thế trũng, thấp.

Các kiểu thời tiết thay đổi dẫn đến sự gia tăng các bệnh do véc-tơ truyền và nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn có thể khiến các nhóm dễ bị tổn thương có nguy cơ suy dinh dưỡng. Đồng thời, tỉ lệ thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng và giá lạnh cao hơn.

Do đó, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là xu thế trên thế giới hiện nay, phù hợp với chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

PGS.TS Nguyễn Văn Thành đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới, cụ thể là tích cực cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực chủ động giảm thiểu, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhanh chóng hoàn thành chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Đồng thời cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực chuyên ngành, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế để biên soạn, mở rộng, cập nhật các chương trình đào tạo từ cấp phổ thông đến đại học, sau đại học chuyên ngành bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước, giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh mục tiêu phát triển bền vững...

Góp ý thêm, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lệ, Viện trưởng Viện nghiên cứu con người, cho rằng khả năng tiếp cận và thông tin về nền kinh tế tuần hoàn của cả người dân và doanh nghiệp cần được cải thiện để giúp giảm bớt các rào cản đối với việc tái chế để tăng động lực tái chế.

"Các nỗ lực sẽ làm tăng nhu cầu của khách hàng đối với các quy trình của nền kinh tế tuần hoàn và tạo ra những cải tiến hơn nữa về tính sẵn có của các sản phẩm tái chế cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng cho tái chế.

Bên cạnh đó, để có sự thay đổi về tư duy tổ chức và xã hội, cần thúc đẩy giáo dục và nâng cao nhận thức cũng như sự tham gia tích cực của các bên liên quan khác nhau trong toàn bộ quá trình chuyển đổi"- PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lệ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới