Sau khi kết thúc xét hỏi bị cáo Phan Sào Nam, phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ liên quan đến hai cựu tướng công an chuyển sang bị cáo Nguyễn Văn Dương, cựu chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
Bị cáo Nguyễn Văn Dương tại tòa.
Trả lời HĐXX, Dương nói sau khi nhận được bản cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Phú Thọ, bị cáo tôn trọng bản cáo trạng đã truy tố mình về hai tội danh. Tuy nhiên, chủ tọa nhiều lần nhấn mạnh đang hỏi bị cáo thấy cáo trạng truy tố mình có đúng hay không, chứ không phải vấn đề tôn trọng. Dương xác nhận là đúng.
Dương khai quen biết Phan Sào Nam từ năm 2015, qua mối quan hệ người khác giới thiệu. Tại phiên tòa trước, sau khi bị cách ly rồi được HĐXX tóm tắt nội dung, Dương nói tôn trọng lời khai của Phan Sào Nam, không bổ sung gì.
. Ai là người giới thiệu cho bị cáo để thành lập Công ty CNC và hợp tác với C50? - chủ tọa hỏi.
+ Về quá trình thành lập Công ty CNC, bị cáo đã trình bày trong các lời khai với CQĐT. Thời gian đầu tiên, ông Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công an, khi đó bị cáo đang làm một doanh nghiệp về đầu tư. Qua một số lần trao đổi, ông Hóa có nói rằng hiện C50 phải có công ty bình phong để hoạt động nghiệp vụ. Có một lần tôi và ông Hóa lên báo cáo với ông Ngọ và bị cáo được giới thiệu phụ trách công ty.
. Mục đích thành lập công ty là gì?
+ Mục đích là để hoạt động kinh tế nghiệp vụ cho C50.
. Trong hợp đồng hợp tác thì CNC và C50 thỏa thuận về những nội dung gì?
+ Do thời gian tạm giam đã lâu nên bị cáo không nhớ hết các nội dung hợp tác nhưng trong đó có hoạt động kinh tế thông thường và hoạt động hóa trang trinh sát phục vụ hoạt động phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
. Ai là người đại diện hai bên để ký hợp đồng?
+ Bị cáo và ông Nguyễn Thanh Hóa.
. Mối quan hệ của bị cáo và bị cáo Hóa là như thế nào, có mâu thuẫn gì không?
+ Dạ không.
Chủ tọa tiếp tục hỏi Dương theo thỏa thuận thì C50 có đóng góp gì không? Dương khai theo đề án ban đầu thì thỏa thuận C50 góp 20% vốn và con người. Tuy nhiên, sau đó không đảm bảo theo hợp tác.
Ngược lại, kể từ khi hợp tác (2011-2015), CNC đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ trinh sát, tìm hiểu nắm bắt các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, có rất nhiều báo cáo về các hoạt động tội phạm. Quá trình hoạt động, theo háng, quý và năm, công ty đều có báo cáo gửi về C50.
Đáng chú ý, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cũng đề cập tới vấn đề trụ sở của Công ty CNC. Nguyễn Văn Dương cho hay thời gian đầu công ty thuê trụ sở ở bên ngoài. Đến năm 2015 thì chuyển tới số 10 Hồ Giám.
“Tôi được biết trước đây là trụ sở của Tổng cục Chính trị, Bộ Công an, sau đó bàn giao cho Tổng cục Cảnh sát” - Dương nói.
Bị cáo này cũng khẳng định có đề xuất với lãnh đạo C50 về việc muốn thuê địa chỉ nói trên làm trụ sở. Sau khi báo cáo với ông Nguyễn Thanh Hóa, ông Hóa nói rằng cần thiết có một trụ sở làm việc...
Được chủ tọa truy về việc tại trụ sở này, bị cáo treo biển tên của bị cáo Hóa hay không? Dương khai ban đầu ông Hóa nói cần một tầng để sử dụng cho cán bộ của Cục. Sau đó để đảm bảo công tác nghiệp vụ thì không sử dụng. Công ty sử dụng toàn bộ tầng một, hai, ba và 5. Biển tên của ông Hóa được treo tại phòng làm việc ở tầng hai nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng một tháng.
Theo cáo trạng, dấu hiệu đặc biệt của sự “chống lưng” cho Nguyễn Văn Dương từ Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là việc Tổng cục Cảnh sát cho Công ty CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám (Đống Đa, Hà Nội) để vận hành hệ thống đánh bạc. Với cá nhân ông Hóa, bị cáo này đã đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám, tạo ra rào cản đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh, xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm. |