Nhà bán lẻ xăng dầu: Chúng tôi lỗ nặng, cơ chế cần phù hợp hơn

(PLO)- Việc xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu phải theo hướng tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-2, hàng trăm doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đã tập trung tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để dự hội thảo lấy ý kiến sửa đổi các nghị định 95/2021 và 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Hội thảo do VCCI và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.

Lỗ mà vẫn phải bán, phải nhập

Là người tham luận đầu tiên, ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang, nói rằng hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện đóng góp lớn cả về lưu thông, bán lẻ lẫn tạo công ăn việc làm, đóng thuế. Thế nhưng vừa qua, nhóm DN bán lẻ xăng dầu mà ông làm đại diện đã lỗ tới 4.000 tỉ đồng.

Hiện nay có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có trên 10.000 cửa hàng thuộc DN tư nhân và 33 DN đầu mối.

“Việc thua lỗ này không phải do DN bán lẻ không biết kinh doanh, mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Cũng là thương nhân phân phối nhưng có đầu mối trong quý IV-2022 vừa qua lãi cả ngàn tỉ đồng sau khi cơ quan quản lý cho điều chỉnh chi phí, trong khi cả cộng đồng DN bán lẻ bị lỗ rất lớn” - ông Tùng nói.

Từ thực tế trên, ông Tùng đề nghị sửa các nghị định về xăng dầu tới đây phải “công nhận sự tồn tại” của hệ thống bán lẻ xăng dầu. Bởi các đầu mối, thương nhân phân phối đang được hưởng đủ các đặc quyền. Đầu mối, thương nhân phân phối có thể dừng bán sỉ, tạm dừng cung cấp hàng cho bán lẻ nhưng không bị làm sao, còn DN bán lẻ phải mở bán liên tục trong mọi tình huống, dừng bán là bị xử phạt. Khi có lãi, đầu mối, thương nhân phân phối được hưởng đủ tất cả chi phí, còn họ cắt lại cho DN bán lẻ bao nhiêu là quyền của họ.

“Vì vậy, cần cho bán lẻ được lấy nhiều nguồn để tránh bị chèn ép từ chính các đầu mối, thương nhân phân phối. Mong ban soạn thảo tiếp tục giữ lấy chúng tôi, một cộng đồng 9.000 DN bán lẻ. Có chúng tôi thì còn giữ được thị trường” - ông Tùng phân tích.

Ông Hà Thanh Tùng cho rằng nhà bán lẻ xăng dầu thua lỗ không phải do không biết kinh doanh, mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Ảnh: CL
Ông Hà Thanh Tùng cho rằng nhà bán lẻ xăng dầu thua lỗ không phải do không biết kinh doanh, mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Ảnh: CL

Nhiều DN bán lẻ khác cũng đồng thuận với ý kiến của ông Tùng. Đại diện thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Nai, nêu vấn đề: Mỗi cây xăng chịu sự quản lý, điều chỉnh, giám sát của tám sở, ban ngành.

“Kinh doanh xăng dầu cần phải theo đúng quy luật thị trường, chứ đi ngược là bị phá vỡ. Lạ nhất là khi lỗ cũng phải bán. Bán hàng nhưng không được ra giá bán, mà người khác quy định giá. Một thị trường có những biến động liên tục thì cần phải điều chỉnh để DN có thể sống và đóng góp cho đất nước. Về dự thảo sửa đổi Nghị định 95, cần quy định DN được lấy nhiều đầu mối” - ông Phụng nói.

Sẽ sửa đổi những quy định bất cập

Được mời trao đổi, hai công ty đầu mối xăng dầu đứng lên phát biểu. Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro, nói: Giai đoạn tháng 7, tháng 8-2022, đầu mối xăng dầu như Saigon Petro bị lỗ khi phải tham gia gánh toàn bộ thị trường vì nhiều đơn vị không nhập khẩu. Vì vậy, ông Thoại mong các DN phân phối, bán lẻ xăng dầu chia sẻ với “nỗi khổ” của các đầu mối.

“Mọi đề xuất, ý kiến của các anh chị đều thỏa đáng nhưng phải cân nhắc nhiều yếu tố. Với tình hình hiện nay, liệu có thể vượt qua hai quý tới hay không là rất khó” - ông Thoại nói và khẳng định “các anh chị lỗ, tụi tui cũng lỗ, các anh chị cũng phải hiểu cho chúng tôi”.

Về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ông Thoại cho rằng: “Tôi nghĩ 10 ngày, 15 ngày hay bảy ngày… không quan trọng. Tôi đề nghị là phải bỏ luôn, thậm chí bỏ luôn quỹ bình ổn giá. Thế mới là thị trường”.

Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, cũng bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm với các DN bán lẻ, thương nhân phân phối về việc kinh doanh lỗ. Nhưng ông nói cả Petrolimex cũng bị lỗ.

“Một ngày lỗ của chúng tôi bằng 20 ngày lỗ của các DN bán lẻ nên chúng tôi cũng không có nguồn lực để chia sẻ chiết khấu với các DN khác. Vấn đề quan trọng nhất không phải là giá, mà là chi phí cần có” - ông Nam nói và cho hay chính Petrolimex cũng được chỉ thị phải bán 24/24 giờ thời gian qua và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.

Petrolimex, vẫn theo ông Nam, cũng tốn nhiều chi phí, công sức cho các công đoạn nhập khẩu xăng dầu, từ đàm phán, ký hợp đồng đến điều tàu, mở LC… “Mất khoảng 15 ngày mới đưa dầu về được. 100 tàu của chúng tôi mỗi tàu mấy chục triệu, lỗ một cái là lỗ lớn” - ông Nam nói.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nói lãnh đạo bộ chia sẻ khó khăn của DN kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu. Ông cũng cho hay sẽ tiếp thu, lắng nghe các ý kiến góp phần sửa đổi bất cập của nghị định.

Mệnh lệnh hành chính chỉ là tình thế

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết qua tìm hiểu của VCCI cho thấy có tới 60% quốc gia trên thế giới để thị trường vận hành xăng dầu.

“Mệnh lệnh hành chính có thể khiến DN làm việc này, việc kia theo ý muốn của Nhà nước nhưng nó luôn chỉ là giải pháp tình thế. Mệnh lệnh hành chính không thể bền vững bằng những động lực của thị trường. Vì vậy, thể chế phải làm sao nuôi dưỡng được DN, để cho DN có động lực muốn bán hàng, muốn dự trữ, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng” - ông Tuấn nói.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương Trần Duy Đông cũng cho biết: Việc sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu lần này là dịp để nhìn lại các quy luật tất yếu của thị trường và để cộng đồng DN phát triển.

“Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, mỗi phương án lựa chọn có ưu nhược điểm, có thể phù hợp ở thời điểm này nhưng không phù hợp ở thời điểm khác. Quan điểm xây dựng chính sách phải dài hơi, tôn trọng quy luật khách quan, không chạy theo vấn đề cục bộ, hiện tượng, cá biệt” - ông Đông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm