Nhà bán lẻ xăng dầu: 'Chúng tôi yếu thế mà, xin được tồn tại'

(PLO)-  Kinh doanh thì có lúc này lúc khác nhưng cả năm nay thua lỗ rồi, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin được công nhận sự tồn tại
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 14-2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng, dầu. Hàng trăm doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các doanh nghiệp bán lẻ đã đến tham dự.

Sau phát biểu mở đầu của đại diện VCCI, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước trình bày những điểm chính.

Theo đó, các điểm được tập trung sửa đổi gồm: công thức giá và phương thức điều hành xăng dầu; thời gian điều hành/công bố giá; mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu; quyền lấy nhiều nguồn của các đại lý bán lẻ xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối và tổng đại lý; quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối; đầu mối quản lý nhà nước về xăng dầu; quỹ bình ổn xăng dầu.

Ông Hà Thanh Tùng, công ty TNHH thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang dẫn theo hơn 100 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đến dự hội thảo phát biểu đầu tiên.

Sau khi giới thiệu “tiềm lực” của hệ thống bán lẻ trong nhóm doanh nghiệp bán lẻ, ông Tùng nói rằng: “Kinh doanh thì có lúc này lúc khác, nhưng cả năm nay lỗ rồi. Cũng là thương nhân kinh doanh, có những thương nhân có lãi cả ngàn tỷ, còn các cửa hàng bán lẻ thì lỗ, đứng trước nguy cơ trả giấy phép, ngừng kinh doanh. Chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy”.

Ông Hà Thanh Tùng phát biểu và kiến nghị quy định cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhiều điều kiện để tồn tại. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Hà Thanh Tùng phát biểu và kiến nghị quy định cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhiều điều kiện để tồn tại. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Tùng mong muốn Nghị định tới đây công nhận sự tồn tài của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, từ việc công nhận vị trí đến sở hữu tài sản. Ông mong muốn các doanh nghiệp bán lẻ có chiết khấu hợp lý, chi phí, định mức lợi nhuận hợp lý trong bối cảnh nhà nước vẫn đang kiểm soát giá.

“Chúng tôi là nhóm yếu thế mà”, ông Tùng nói.

Ngoài ra, ông Tùng đề nghị cho các doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn vì các thương nhân phân phối hay đầu mối cũng… lấy hàng từ nhiều nguồn.

Trình bày thêm một số vấn đề, ông Tùng cho rằng: cần có cách để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tồn tại, nếu để bán lẻ xăng dầu bị thâu tóm thì không tốt.

Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác ở Đồng Nai, đại diện là ông Văn Tấn Phụng nói rằng: chỉ khi có chiến tranh Nga-Ucraina xảy ra thì mới có vấn đề đối với xăng dầu.

Ông cho hay: bán lẻ xăng dầu vừa rồi lỗ vẫn phải bán. Bán thì không được quyền ra giá. “Thị trường nếu định hướng thế thì khó trong bối cảnh cung – cầu biến động liên tục”. Ông Phụng mong Ban soạn thảo lắng nghe ý kiến doanh nghiệp bán lẻ để điều chỉnh cho phù hợp thực tế và “doanh nghiệp có thể sống”.

Đặc biệt, ông Phụng cũng như một số doanh nghiệp là thương nhân phân phối đề nghị đưa chu kỳ điều hành giá xăng dầu về 15 ngày để cân đối giá.

Hội thảo thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham dự, từ đầu mối đến thương nhân phân phối và các doanh nghiệp bán lẻ. Ảnh: CHÂN LUẬN

Hội thảo thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham dự, từ đầu mối đến thương nhân phân phối và các doanh nghiệp bán lẻ. Ảnh: CHÂN LUẬN

Được mời trao đổi lại, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban kinh doanh của Petrolimex bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm với các doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối về việc kinh doanh lỗ. Nhưng ông nói cả Petrolimex cũng bị lỗ nên “không đủ nguồn lực chia sẻ lại với các anh chị”. Ngoài ra, Petrolimex còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác, và cũng như các đại lý, còn nhận được “chỉ thị” phải bán 24/24 trong thời gian vừa qua.

Ông Phạm Văn Thoại, SaigonPetro cũng cho rằng: phía ông ngoài trách nhiệm với các đại lý thì còn trách nhiệm với nhà nước.

“Tụi tôi cũng phải chịu lỗ”, ông Thoại nói.

Ông Thoại cho rằng ngay cả việc chênh lệch tỉ giá VNĐ và USD cũng làm cho các đầu mối mệt mỏi, phải hài hòa. Ý kiến các doanh nghiệp bán lẻ là thỏa đáng và ông Thoại chia sẻ. Nhưng ông nói: “Các anh chị cũng phải hiểu cho chúng tôi”.

Về chu kỳ điều hành giá, ông Thoại cho rằng: “Tôi nghĩ 10 ngày, 15 ngày hay 7 ngày… không quan trọng. Tôi họp ở thành phố tôi nói là phải bỏ luôn, thậm chí bỏ luôn quỹ bình ổn giá. Thế mới là thị trường”.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng nói: “Rất buồn khi chúng ta đang phải bàn câu chuyện chia sẻ chi phí, lợi nhuận… Nhẽ ra câu chuyện này phải là của thị trường”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm