Nhà báo phải biết bảo vệ quyền hành nghề

Nhà báo phải biết tự bảo vệ mình - Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Văn phòng Đại diện phía Nam của Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Thường trực phía Nam Ban Tuyên giáo Trung ương và Cơ quan đại diện Cục Báo chí tại TP.HCM tổ chức sáng 19-6, nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tỉnh táo để ứng xử

Nhà báo Thu An (báo Tuổi Trẻ) nói: “Điều trước hết đối với một nhà báo là phải biết bảo vệ quyền hành nghề. Tất nhiên, việc hành nghề đó phải tuân thủ các quy định của pháp luật và không vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Theo bà An, trong hoạt động báo chí, “lúc này lúc khác, trong vấn đề này vấn đề kia, nhà báo gặp những can thiệp không đúng… bởi những nhóm lợi ích, quan hệ xã hội phức tạp. Thậm chí lợi ích vật chất treo ngay trước mắt người làm báo. Vậy nhà báo tự bảo vệ trong tình huống này như thế nào? Mỗi người chọn cho mình một cách hành xử, quan trọng là nhà báo phải luôn tỉnh táo để ứng xử đúng trong mọi tình huống, không để bẻ cong ngòi bút, không để phải viết những điều không đúng… Đó cũng là sự tự bảo vệ quyền hành nghề chính đáng, hợp pháp của mình; bảo vệ lý tưởng nghề nghiệp mà mình theo đuổi” - bà An bày tỏ.

Nhà báo phải biết bảo vệ quyền hành nghề ảnh 1

Ông Đào Văn Lừng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương  phía Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: MC

Bảo vệ quyền hành nghề, theo nhà báo Thu An, còn là bảo vệ quyền được nhận thông tin và được thông tin. Bên cạnh những đòi hỏi, kiến nghị để điều chỉnh các quy định liên quan đến vấn đề này, nhà báo phải tự đòi hỏi mình nhiều hơn trong việc chăm sóc, phát huy và bảo vệ tốt nhất nguồn tin của mình. “Một nhà báo không có nguồn tin, không xây dựng nguồn tin - đồng nghĩa với việc đang dần tự từ chối quyền hành nghề, không bảo vệ tốt nguồn tin cũng có nghĩa là đang tự hủy diệt mình. Ai sẽ cộng tác với nhà báo, ai sẽ cung cấp thông tin cho nhà báo, sẽ hỗ trợ nhà báo tác nghiệp khi nhà báo đó không bảo vệ họ? Nghĩ cho cùng, nhà báo không thể bảo vệ được nguồn tin của mình thì cũng không thể tự bảo vệ” - bà Thu An chia sẻ.

Hoàn thiện mình để tránh rủi ro

Rủi ro luôn ẩn chứa trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của nhà báo. Điều này xuất phát từ tính chất “nóng”, nhanh nhạy của thông tin mà nhà báo mang tới  và những xung đột lợi ích với những đối tượng được báo chí thông tin, phản ánh, phanh phui, nhất là trong lĩnh vực điều tra chống tiêu cực.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) từng có thời gian dài làm báo nói: “Nhà báo trong quá trình tác nghiệp gặp những rủi ro là điều khó tránh khỏi nhưng phải hạn chế đến mức thấp nhất những điều không đáng có”. Ông Đức kể về sự vụ một tờ báo bị khiếu nại và phải cải chính vì đăng ảnh một doanh nghiệp nước ngoài để minh họa cho bài viết không tích cực. “Có thể vì thấy chuyện “minh họa” đó là bình thường. Nhưng đối với công ty ấy, việc đăng ảnh như vậy  là xâm phạm danh dự, uy tín nên họ làm căng. Rất may là lãnh đạo tờ báo này đã cải chính,  xin lỗi kịp thời”. Theo luật sư Đức, đây không phải là tai nạn nghề nghiệp mà là người viết và tờ báo đăng tải đã không lường thấy hết hậu quả pháp lý khi cho đăng bức ảnh, do ít trang bị kiến thức về Luật Dân sự.

Luật sư Đức cũng lưu ý: Quá trình dấn thân của nhà báo là cần thiết nhưng không nên dấn thân đến mức vi phạm pháp luật. “Ta không thể để tình trạng khi đứng trước vành móng ngựa rồi mới nói câu vì không hiểu pháp luật nên làm vậy”. Ông Đức chia sẻ thêm:  Khi dấn thân, nhà báo  phải biết chọn mức độ để dừng lại, nhất là khi nhập vai để điều tra. Không nên dùng hành động tiêu cực để phản ảnh hành động tiêu cực. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đào Văn Lừng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam, cho hay: Trong thời gian qua, có rất nhiều khiếu nại của các cá nhân, tổ chức về việc các thông tin trên báo xâm phạm quyền dân sự của họ.  Việc vi phạm nằm ngay ở những thông tin thông thường chứ chưa nói đến vấn đề đấu tranh chống tiêu cực. 

Theo ông Lừng, trước hết và trên hết, nhà báo phải biết tự bảo vệ mình và phải xem đó như một kỹ năng. Muốn thế các nhà báo cần không ngừng trau dồi nhiều hơn phẩm chất chính trị, nghiệp vụ, kiến thức, hiểu biết luật pháp,… để có thể tự bảo vệ mình trước những rủi ro, nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp.

Pháp Luật TP.HCMđóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới

 (PL)- Ngày 19-6, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng đại diện Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã đến thăm và tặng hoa chúc mừng báo Pháp Luật TP.HCM  nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2013).

Nhà báo phải biết bảo vệ quyền hành nghề ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng chúc mừng Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Phạm Phú Tâm nhân kỷ niệm ngày Báo chí. Ảnh: HTD

Bà Nguyễn Thị Hồng nhận định: Thời gian qua báo Pháp Luật TP.HCM luôn đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. “Để đạt được kết quả này là sự nỗ lực của tập thể các thành viên của báo. Báo không chỉ vững mạnh về quy mô mà còn phát triển nội dung phù hợp với tôn chỉ mục đích, đặc biệt đẩy mạnh yếu tố pháp lý trong các bài báo, mang lại thông tin bổ ích cho độc giả” - bà Hồng nói.

Bà Hồng cũng chúc báo Pháp Luật TP.HCM “mở rộng thị phần, được độc giả tin yêu hơn và phát triển thêm nhiều loại hình báo chí đa dạng”.

Cũng trong ngày 19-6, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều sự chia sẻ, thăm hỏi, chúc mừng của các đoàn đến từ các sở, ngành trung ương và địa phương.

Q.TRANG

Coi chừng “dính đòn” vì tiết lộ bí mật nhà nước

Theo quy định pháp luật  hiện nay, danh mục thuộc diện bảo vệ bí mật nhà nước là rất rộng. Nếu nhà báo không nắm được tài liệu mình sử dụng nằm trong danh mục mật hay không thì rất dễ rơi vào cảnh bị xử lý hình sự vì tiết lộ bí mật nhà nước. Chẳng hạn, nhà báo đưa thông tin về việc khởi tố hình sự một số đối tượng trong khi quyết định khởi tố chưa được công bố. Chưa công bố thì đó vẫn là tài liệu mật.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

Bảo vệ bạn đọc của mình

 Nhà báo không được quên trách nhiệm bảo vệ người đọc và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đọc, bảo vệ quyền được thông tin của người đọc một cách tốt nhất. Phải luôn đi cùng người đọc, hiểu được tâm trạng người đọc, nhạy cảm với những vui buồn, những mong đợi, yêu cầu chính đáng của người đọc. Thực tế cho thấy nếu nhà báo tác nghiệp đúng, đấu tranh cho chính nghĩa, vì lợi ích cộng đồng thì bạn đọc luôn là lực lượng hỗ trợ bảo vệ nhà báo. Gắn kết với bạn đọc, với người dân, nhà báo sẽ nâng cao khả năng tự bảo vệ chính mình.

Nhà báo THU AN, báo Tuổi Trẻ

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm