‘Nhà báo quốc tế’: Sự hám danh làm lệch chuẩn xã hội

Trong tuần, bài viết “Những sự thật về “nhà báo quốc tế”” đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc. Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao về thông tin một người có tên Lê Hoàng Anh Tuấn xưng danh là “nhà báo quốc tế”.

Hợm hĩnh, bất chấp cả con người thật

Sự kiện gây ồn ào nhất là việc người này về dự buổi chào mừng cựu học sinh tại Trường THPT Nghi Lộc 3, Nghệ An vào ngày 27-2 với tấm bảng dài ngoằng rổn rảng các chức danh. Sau đó, hàng loạt thông tin bằng cấp của “nhà báo quốc tế” này được xác nhận là giả mạo. Nhiều bạn đọc cho rằng sự hám danh của ông này đến từ việc xã hội ta đâu đó vẫn còn chuộng hình thức, điều này dễ gây lệch chuẩn xã hội.

Bạn TanTrong chia sẻ: “Tôi đã dự không biết bao nhiêu buổi họp mặt cựu học sinh và các chuyến đi về thăm trường cũ. Rất nhiều bạn bè tôi giờ cũng là quan chức to, tỉ phú này nọ nhưng chưa có ai nổ “banh xác nhà lồng” như tay “nhà báo quốc tế” này. Hám danh và hợm hĩnh, bất chấp cả lòng tự trọng”.

Bạn LinhTam cho rằng đây cũng là một kiểu sống ảo, mà sống ảo như tay này thì phải tôn là sư phụ rồi. Với một đống chức danh rất kêu, tay này đã khiến một số lãnh đạo tin sái cổ.

“Đọc thông tin về ông “nhà báo quốc tế” này mới thấy xã hội ta vẫn còn rất nhiều người thích ăn theo thói hám danh quá. Hám danh đến nỗi không có học hàm, học vị thì chạy, mua cho bằng được cái mác thạc sĩ, tiến sĩ, không cần học chi cho mệt. Có được cái bằng to “vật vã” rồi thì lo chạy chọt để được cái danh phận ông này, bà kia. Đúng là hám danh đến nỗi không biết nhục là gì” là ý kiến của bạn XuanQuynh.

Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

thuế thì phải đóng nhưng cần hợp lý

Bài viết “Nhiều phản đối thu thuế đặc biệt điện thoại di động (ĐTDĐ) cũng nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Theo đó, UBND TP.HCM đưa ĐTDĐ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và người dân không đồng tình với đề xuất này.

Bạn SaoMai bức xúc: Tất cả mặt hàng bán ra thường đã có 10% VAT rồi, giờ tăng thêm thuế nữa thì giống như là đánh thuế vào người có thu nhập thấp thôi. Thu nhập thấp nhưng nhiều người vẫn có nhu cầu mua ĐTDĐ mà. Nhóm người khá giả, giàu có thì thu thêm thuế ĐTDĐ với họ cũng là bình thường, giá nào họ cũng mua không cần suy nghĩ.

Cũng theo bạn Nghĩa Tùng, nếu đóng thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐTDĐ thì đánh thuế luôn với các mặt hàng khác luôn đi như điện, nước…, vì những cái này người giàu xài nhiều hơn người có thu nhập thấp. Đóng thuế là nghĩa vụ của người dân nhưng thuế đó phải hợp lý.

Cách tính tiền điện đã lỗi thời

“Chính phủ cần giải thích về việc tăng giá điện” cũng là bài viết nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Nhiều khách hàng dùng điện trên cả nước bất ngờ với hóa đơn tháng 3 tăng bất thường so với tháng 2, có gia đình tăng gấp đôi, gấp ba. EVN thừa nhận số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 3-2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước ít nhất trên 35%.

Bạn Sáu Thành nêu ý kiến: “Nhà tôi trước nấu phở bằng than đá, sau thấy ô nhiễm quá nên chuyển qua điện, có tốn thêm tiền nhưng chấp nhận được. Nay giá điện tăng kiểu này thì phải quay lại dùng bếp than đá thôi, chứ dùng điện thì coi như bán không có lời là cái chắc”.

Bạn NguyenMinhTam cho rằng xài nhiều thì phải trả nhiều nhưng quan trọng là cách tính tiền. Ngành điện chia ra sáu bậc để tính tiền điện nhưng hiện nay người dân ở mọi tầng lớp đều có nhu cầu sử dụng điện cao. Cách tính tiền hiện nay với bậc 1 chỉ 50 kWh đã lỗi thời nên tiền điện mới tăng cao như vậy.

Ai có tên trong tạp chí của “nhà báo quốc tế”?

Mới đây, trên Facebook của mình, cô gái 27 tuổi quê Thái Nguyên đăng tải status có chiến sĩ công an bị bắt do dính líu tới một vụ án thương tâm. Thông tin này lập tức gây sửng sốt nhiều người tham gia mạng xã hội.

Đây là thông tin thất thiệt và làm việc với cơ quan chức năng sau đó, chủ tài khoản này khai đã “hóng hớt” từ một Facebooker khác rồi đăng lại với mục đích thu hút nhiều người xem nhằm kinh doanh hàng online. Đây là một chiêu trò không mới đối với những kẻ vì lợi ích nhỏ nhoi của bản thân mà vô tâm với nỗi đau của nạn nhân, vô trách nhiệm với sự thật!

Rõ ràng là cô ta đáng trách, song dẫu sao chuyện tung tin giả mạo trên nếu nhìn dưới góc độ người thực hiện hành vi đó thiếu kiến thức, ngây thơ, khôn vặt… thì phần nào thông cảm. Nó không đáng sợ bằng việc có những cá nhân lợi dụng việc được mặc định có học vấn, uy tín với số đông để tạo giá trị ảo. Sự việc “nhà báo quốc tế” là một trong nhiều ví dụ.

Tiếng vang đầu tiên khiến tên tuổi nhân vật này vụt sáng có lẽ là buổi “về lại trường xưa” buộc hơn 1.000 học sinh nghỉ một tiết học để đón ông. Không khí buổi đón tiếp hào nhoáng này được cộng hưởng bởi tấm bảng hoành tráng ghi loảng xoảng các chức danh của người tự nhận là cựu học sinh của trường này. Tấm bảng to đùng trịnh trọng thể hiện nội dung: “Chào mừng nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ Lê Hoàng Anh Tuấn, cựu học sinh khóa 1995-1998 THPT Nghi Lộc 3, tiến sĩ triết học danh dự từ Vương quốc Anh 2018, Tổng Biên tập tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế”.

Có điều, theo thông tin trên báo chí thì những danh hiệu rổn rảng trên hoặc do “tự sướng”, hoặc được cấp từ những tổ chức thiếu uy tín. Thậm chí một đại học lớn mà ông khoe được cấp bằng tiến sĩ danh dự đã phủ nhận thông tin này.

Thế nhưng nhà báo, tiến sĩ ấy được nhiều cơ sở giáo dục trong nước mời giảng dạy do “thành tựu học vấn lẫn chuyên môn” ông khoe. Ông đồng thời có mặt với nhiều chức sắc trong làng báo quốc nội tại rất nhiều sự kiện, từ đó kết hợp với việc tung hê của một số bài báo nên tiếng vang lại càng vang.

Vậy phải chăng những PV viết bài và các chức sắc kia không thấy được bản chất của những danh hiệu ông Tuấn khoác lên người? Hay họ biết nhưng vì lý do nào đó vẫn chấp nhận?

Theo một số người am hiểu nền giáo dục Việt Nam, với quy định của bộ rằng muốn đủ tiêu chuẩn hướng dẫn hoặc phản biện luận án tiến sĩ thì các giáo sư, phó giáo sư phải có bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế thì cái tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế có mặt ông Tuấn kia đáp ứng điều đó. Ngoài ra, có khả năng những người này còn dùng nó làm dày thêm hồ sơ khoa học để được nhận các dự án nghiên cứu do ngân sách tài trợ. Bởi dù gì nó vẫn được tiếng là “quốc tế”!

Lý giải này mở ra nhiều khả năng tạp chí ấy dù không phải là tạp chí khoa học, chính là “lá bùa” được “nhà báo quốc tế” dùng để kết giao và tỏa sáng với nhiều vị muốn hợp thức hóa đường học vấn. Nếu vậy, có lẽ nên tìm ra có bao nhiêu tác giả có bài trên “Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế”; ai trong số tác giả ấy cần bài viết trên tạp chí để vụ lợi...

Nếu điều này được làm rõ thì câu chuyện “chiếc mặt nạ loảng xoảng chức danh” kia gây tác hại gấp nhiều lần việc tung tin giả để bán hàng online. Bởi như đã nói, sự háo danh khi lợi dụng việc được đánh giá có học vấn và được số đông tin để giả dối thì tác hại với xã hội khó đo đếm.

Bạn đọc TUẤN ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm