Nhà báo Trần Mai Hạnh: Người được lịch sử chọn

(PLO)- Ông Lê Quốc Hưng, nguyên Phó Giám đốc hệ VOV5 nói: "Nhà báo Trần Mai Hạnh đã được lịch sử chọn ở những thời điểm rất khắc nghiệt nhưng cũng vinh quang, không dễ mấy ai có được niềm vinh hạnh đó"

Chiều ngày 2-4, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) đã đột ngột qua đời trong chuyến vào Nam thăm lại các đồng nghiệp thời kháng chiến chống Mỹ.

Người cày vỡ, mở ra những đường cày

Nhớ về ông, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN bày tỏ: Từ công việc làm báo, trải qua bao chức vụ quan trọng, vinh quang và cay đắng, ông lại trở về với nghề báo theo đúng nghĩa của nó.

“Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn thấy ông Trần Mai Hạnh ở Đài TNVN là cuối năm 1996, khi chúng tôi được dự một lớp học tiền công vụ. Với tôi, đó là lớp nhập môn vào nghề báo, cũng là vào nghiệp phát thanh”- nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhớ lại.

Ký ức của nhà báo Phạm Mạnh Hùng vẫn lưu nhớ ở nhà báo Trần Mai Hạnh đó là luôn nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo.

Nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và nhà báo Phạm Mạnh Hùng. Ảnh: VOV.

“Sản phẩm của lãnh đạo là quyết định. Không ra nổi quyết định thì không thể làm lãnh đạo được và cũng không nên làm lãnh đạo nữa. Không quyết định cũng chết và quyết định sai thì càng chết và chết sớm”.

Sau này, anh em nhà Đài vẫn nhắc lại câu cửa miệng đã thành thương hiệu của Trần Mai Hạnh: "Không khéo thì chết cả nút!”- nhà báo Phạm Mạnh Hùng kể.

Theo ông Hùng, có thể nói, khi báo chí bước vào kỷ nguyên số, đa phương tiện, ông Trần Mai Hạnh là một người cày vỡ, mở ra những đường cày góp phần định hình diện mạo mới của Đài TNVN.

Khát vọng của ông về một tổ hợp báo chí quốc gia, đa phương tiện có uy lực chính trị xã hội đã được các thế hệ lãnh đạo sau đó viết tiếp và viết thêm những chương mới quan trọng.

"Từ công việc làm báo, trải qua bao chức vụ quan trọng, vinh quang và cay đắng, ông lại trở về với nghề báo theo đúng nghĩa của nó. Về ông, có thể có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng tư chất của một nhà báo lão luyện, một nhà quản lý báo chí bản lĩnh, có tầm chiến lược, thì không ai có thể phủ nhận được"- nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhận xét.

Người được lịch sử chọn

Nhà báo Phạm Trung Tuyến, (Phó giám đốc VOV Giao thông, Đài TNVN) nhớ lại lần đầu tiên gặp nhà báo Trần Mai Hạnh.

“Ông hỏi tôi: Mày về đài lâu chưa?. Tôi đáp: “Cháu về trước chú một tháng!. Ông cười rồi bảo: A thằng này có khẩu khí được! Nhưng tuỳ Thủ trưởng mà chọn cách nói năng nhé!.

Lần cuối cùng gặp lại, nhà báo Trần Mai Hạnh nói với nhà báo Phạm Trung Tuyến: Hay thì không ổn, ổn thì không hay! Nhưng cứ lúc ổn lúc hay thế là hay!

“Nhà báo Trần Mai Hạnh đã sống một cuộc đời thăng trầm, nhưng ngay cả sự thăng trầm đó cũng là điều đáng giá để sống”- nhà báo Phạm Trung Tuyến nói.

Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc Lập sáng 7-5-1975 sau lễ míttinh ra mắt của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định. Ảnh : Đinh Quang Thành/TTXVN.

Với ông Lê Quốc Hưng, nguyên Phó Giám đốc hệ VOV5 thì nhà báo Trần Mai Hạnh là người thầy của các nhà báo đương đại hiện nay.

“Lịch sử chọn ông ở những thời điểm rất khắc nghiệt nhưng cũng vinh quang, không dễ mấy ai có được niềm vinh hạnh đó”- ông Hưng nói.

Lấy dẫn chứng từ cuốn Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.1975, ông Hưng cho biết đó là minh chứng khẳng định một nhà báo phóng viên chiến trường nhưng cũng là một nhà văn với tiểu thuyết tư liệu lịch sử đồ sộ, tấm gương lớn cho ông và thế hệ làm báo sau ở Đài TNVN.

“Đó là một trong những người quản lý báo chí với những định hướng tuyên truyền và phát triển Đài TNVN đa phương tiện, đa nền tảng, đa ngôn ngữ với những ý tưởng và đường lối rõ nét nhất”- ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, sau những việc không may, những va vấp nhà báo Trần Mai Hạnh đã đứng dậy một cách chói loà, hơn 80 tuổi vẫn lao động .

“Ông còn đang xây dựng kế hoạch cho hậu thế là người đương đại biết về tầm vóc của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”- ông Hưng chia sẻ.

Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1-1-1943 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam.

Ông là đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập.

Ông sáng tác nhiều tác phẩm như Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú, Ngày tận thế, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới