Nhà chờ xe buýt sẽ được cải tạo như thế nào?

Cuộc thi “Phá bỏ rào cản 2” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) phối hợp với Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tổ chức vào tháng 1 vừa qua đã tìm kiếm được những ý tưởng thiết kế cải tạo các công trình công cộng mang tính ứng dụng cao, giúp người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng.

Không dừng lại ở đó, các ý tưởng còn được DRD quan tâm, tìm kiếm nguồn hỗ trợ để biến thành hiện thực. Một trong những ý tưởng nhận được sự quan tâm của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM là cải tạo Công viên 23-9, trong đó có nhà chờ xe buýt của nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM, đề tài đạt giải khuyến khích của cuộc thi.

Chiều 15-2, DRD cùng nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM đã cùng ngồi lại để góp ý cho ý tưởng, lên phương án triển khai và đưa ý tưởng vào hiện thực trong thời gian sắp tới. Trước mắt, ý tưởng sẽ được thực hiện tại trạm xe buýt Công viên 23-9.

Nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM trình bày ý tưởng thiết kế nhà chờ xe buýt

Nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM trình bày ý tưởng thiết kế nhà chờ xe buýt phù hợp với người khuyết tật.

Ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, đánh giá cao ý tưởng của nhóm sinh viên. Điều trùng hợp là trung tâm đang tìm kiếm các giải pháp cải tạo, thiết kế các hạng mục hỗ trợ NKT sử dụng xe buýt trong năm nay theo chỉ đạo của Sở GTVT.

Ông Ân đánh giá: “Hiện nay trên địa bàn TP có khoảng hơn 4.000 nhà chờ và điểm dừng xe buýt. TP có quan tâm xây dựng một phần các tiện ích cho NKT nhưng vẫn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn. Chẳng hạn, ở trạm xe buýt Công viên 23-9 có thiết kế các ram dốc nhưng NKT khá khó khăn khi di chuyển do độ dốc cao. Dự kiến đây là bến mẫu có các tiêu chuẩn phục vụ NKT tốt nhất, sau đó rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi ở một số nhà chờ khác trong thời gian tới”.

Nhà chờ xe buýt công viên 23-9 có thiết kế ram dốc cho người khuyết tật

Nhà chờ xe buýt Công viên 23-9 có thiết kế ram dốc cho người khuyết tật nhưng khá dốc nên người khuyết tật rất khó khăn khi đi lên bằng xe lăn.

Bà Lưu Thị Ánh Loan, Quyền Giám đốc DRD, cho hay vì các tiện ích cho NKT còn hạn chế nên NKT phải phụ thuộc vào tài xế, người đi cùng nên mất đi tính độc lập. Khi ý tưởng biến thành hiện thực thì không chỉ NKT mà người cao tuổi, mang thai cũng được hưởng lợi.

Đoàn đi khảo sát một số hạng mục trong nhà chờ bến xe buýt công viên 23-9

Đoàn đi khảo sát một số hạng mục trong nhà chờ bến xe buýt Công viên 23-9.

Luật NKT quy định lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng như sau: Đến năm 2020, các công trình công cộng sau đây phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT (nghĩa là NKT sử dụng được): Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao. Đến năm 2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.

Ý tưởng cải tạo nhà chờ Công viên 23-9 bao gồm:

- Đặt ram dốc thuận tiện cho NKT đón và xuống trạm; thay thế các con dốc chưa đúng quy chuẩn bằng con dốc phù hợp có tay vịn.

- Thay thế gạch lót trơn đang sử dụng bằng loại gạch có độ bám tốt hơn.

- Mở rộng cửa nhà vệ sinh, thay bệ ngồi xổm thành bệ ngồi bệt, thay bậc tam cấp bằng ram dốc đúng quy chuẩn.

- Định hướng cho người khiếm thị bằng cách dùng loại gạch đánh dấu đường đi cho người khiếm thị, có loa thông báo tại các trạm để giúp người khiếm thị đón xe chủ động hơn.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm