Thị trường tháng 5-2019 đã kiểm tra thành công ngưỡng hỗ trợ 950 trước khi hồi phục ấn tượng lên mức 990 mặc cho khối ngoại bán ròng liên tục trong giai đoạn này. Bên cạnh dòng tiền bắt đáy dồi dào, giá dầu tăng và thương vụ phát hành thành công của VIC cho SK Group là các nhân tố hỗ trợ.
Tuy nhiên, hiệu ứng “Sell in May” dường như vẫn đúng cho năm nay, báo cáo chiến lược của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận. Thiếu vắng thông tin hỗ trợ, cùng với căng thẳng chiến tranh thương mại gia tăng trong nửa cuối tháng năm đã kéo thị trường nhanh chóng giảm về mức đáy cũ trước đó. VN-Index (giảm 2%) và HNX-Index (giảm 3%) đều có tháng tệ nhất từ đầu năm đến nay.
Thanh khoản không cho thấy sự cải thiện, duy trì ở mức 2,7 ngàn tỉ đồng mỗi phiên. Dòng tiền chuyển từ cổ phiếu vừa và nhỏ quay trở lại các cổ phiếu vốn hóa lớn. Tất cả các chỉ số chính đều có diễn biến xấu và tương tự tháng 4, không có nhiều chỗ “ẩn náu an toàn” cho dòng tiền trong tháng Năm. Độ rộng thị trường cũng không khá hơn khi lần đầu tiên các cổ phiếu tăng yếu thế so với các cổ phiếu giảm kể từ tháng 12 năm ngoái.
Đáng chú ý, tháng 5 không chỉ là tháng đầu tiên khối ngoại quay lại bán ròng trên sàn HOSE, mà còn với giá trị rất cao, hơn 1.500 tỉ đồng thông qua phương thức khớp lệnh. Khối ngoại bán ròng 15 trên tổng số 22 phiên giao dịch và tạo áp lực lớn lên tâm lý thị trường vốn đã trở nên tồi tệ.
Các quỹ ETF đã chứng kiến diễn biến trái ngược trong tháng 5: Vanect ETF (tăng 15 triệu USD) và VFMVN30 ETF (tăng 3,5 triệu USD) là các quỹ hút ròng trong khi FTSE ETF và KIM ETF bị rút ròng với giá trị lần lượt 8 triệu USD và 5,8 triệu USD.
Nhìn chung, chỉ khoảng 30 tỉ đồng vốn nước ngoài chảy vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng Năm, kém xa con số 300 tỉ đồng của tháng Tư và tổng cộng 5.000 tỉ đồng kể từ đầu năm nay.
Diễn biến VN-Index và thanh khoản tháng 5
Nguồn: VDSC.
Trong kỳ cơ cấu danh mục của Vaneck (28-5-2019), tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam đã giảm từ 16,99% xuống 15,75% do quy định giới hạn 40% cho hai thị trường lớn nhất (Kuwait và Việt Nam chiếm 42,5% trước khi cơ cấu). Ước tính, khoảng 6,2 triệu USD giá trị cổ phiếu Việt Nam đã bị bán trong đợt cơ cấu này.
Dự báo thời gian tới, VDSC cho rằng phần lớn sự kiện quan trọng có thể tác động lớn tới thị trường Việt Nam sẽ diễn ra vào nửa cuối của tháng 6 như cuộc họp của Fed, đánh giá của MSCI, cuộc gặp của OPEC và một cuộc gặp có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ và Trung Quốc.
Công ty đặc biệt quan tâm tới cuộc gặp có thể diễn ra giữa Tổng thống Donald Trump và Tập Cận Bình. Hầu hết các thị trường đều đang chờ đợi kết quả của cuộc chiến đã kéo hơn 1 năm qua. Nhận định chung của các ngân hàng lớn trên thế giới là mọi khả năng đều có thể xảy ra, nhưng sẽ có các cuộc thương thảo tiếp tục sau đó. Tuy nhiên rủi ro về việc không có một thỏa thuận thương mại và một cuộc chiến tranh toàn diện đã cao hơn so với cuộc gặp tháng 11 giữa Tổng thống Mỹ và Trung Quốc.
Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá Đông Nam Á, trong đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ chiến tranh thương mại. Nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chịu ảnh hưởng lớn khi chiến tranh thương mại leo thang. Các thị trường Đông Nam Á đã giảm khá nhiều kể từ khi Trump thông báo trên Twitter sẽ tăng thuế trên 200 tỉ đô hàng hóa Trung Quốc: Thái Lan (giảm 3,6%), Indonesia (giảm 3,7%), Singapore (giảm 8,2%), và Việt Nam (giảm 0,1%).
VDSC cho rằng mức giảm này vẫn chưa phản ánh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện khi mà các nhà đầu tư vẫn đang hy vọng cuối cùng sẽ có một thỏa thuận đạt được. Như vậy, các kịch bản sau có thể xảy ra:
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang có thể khiến thị trường giảm mạnh cả ở Việt Nam và trên thế giới;
Kịch bản tích cực là hai bên có thể tạm thời hoãn tăng thuế các mặt hàng của nhau;
Kịch bản dễ xảy ra nhất là hai bên sẽ ngồi lại đàm phán và Tổng thống Trump sẽ lại nói về một thỏa thuận lớn như trước đây. Trong kịch bản này, thị trường có thể tăng lại nhưng không nhiều do phần đông đều đang phản ánh suy nghĩ này.